THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Gia Nghĩa, dân tạm cư còn thờ ơ với hộ khẩu
Ngày đăng 18/12/2018 | 13:42  | View count: 21487

Hai thôn Nghĩa Thắng và Nghĩa Lợi, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) được thành lập vào tháng 1/2017. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do từ các tỉnh đến lập nghiệp, nên hiện nay cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn.

Người dân thôn Nghĩa Thắng thu hoạch cà phê niên vụ 2018

Địa bàn 2 thôn này trước khi thành lập là địa danh không xác định nằm giữa thị xã Gia Nghĩa và xã Đắk Ha (Đắk Glong). Khu vực này trước đây hoàn toàn không có điện, đường, trường, trạm... Sau khi thành lập, từ nguồn vốn ổn định dân di cư tự do của Trung ương, UBND thị xã Gia Nghĩa đã đầu tư làm tuyến đường nhựa, xây dựng điểm trường gồm 3 phòng học và kéo điện lưới quốc gia về trung tâm 2 thôn. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án vẫn chưa hoàn tất nên cuộc sống bà con vẫn còn "lắm không".

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi có dịp về 2 thôn. Đêm trước tại địa bàn vừa có mưa nên các tuyến đường vào nhà các hộ dân vô cùng lầy lội, trơn trượt. Ông Mã Văn Hiếu, Trưởng thôn Nghĩa Thắng cho biết: "Ở đây chỉ sau một trận mưa là giao thông bị chia cắt, nhiều nhà phải cho con nghỉ học vì đường đi trơn trượt, lấm lem và nguy hiểm. Cả thôn hiện có 278 hộ, gần 1.000 khẩu, hơn 80% là đồng bào các dân tộc Dao, Mông và phần lớn là hộ nghèo. Đáng lưu ý là trong số 278 hộ chỉ có 32 hộ có hộ khẩu. Tại địa bàn chỉ có một số ít hộ đầu tư dùng điện năng lượng mặt trời, còn lại là dùng đèn dầu, nên mỗi khi thôn tổ chức hội họp gặp rất nhiều khó khăn".

Điểm trường 3 phòng học được thị xã đầu tư xây dựng tại thôn Nghĩa Lợi

Tương tự, thôn Nghĩa Lợi có 207 hộ, với 756 khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Sán Dìu, Tày…, nhưng đại đa số là tạm trú, số hộ có hộ khẩu rất ít. Theo ông Nguyễn Chánh Thi, Trưởng thôn Nghĩa Lợi, do các hộ dân sống rải rác, phân tán nên việc vận động gặp khó khăn. Thôn chưa có điện nên nhiều hộ dân cũng không có phương tiện nghe nhìn, việc tiếp cận thông tin còn hạn chế.

Theo ông Mã Văn Hiếu, việc nhiều hộ dân tại địa bàn không có hộ khẩu là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, nhiều bà con không có giấy tờ tùy thân (hộ khẩu nguyên quán, chứng minh nhân dân); thứ hai là do bà con canh tác và ở trên đất rừng. Trước thực tế trên, UBND xã Quảng Thành đề nghị bà con về nguyên quán hoặc nơi cư trú trước khi đến đây để xác nhận, làm căn cứ cấp hộ khẩu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân chưa chú trọng việc làm hộ khẩu, thậm chí nhiều cặp vợ chồng không có giấy kết hôn.

Một góc thôn Nghĩa Thắng

Không có hộ khẩu, nên bà con không có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để đầu tư vào sản xuất. Nhiều trường hợp trẻ em đi học, do thiếu giấy khai sinh nên không nhận được sự hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước. Đơn cử như vợ chồng anh Trương Minh Thành ở thôn Nghĩa Thắng có 4 con nhưng không đứa nào có giấy khai sinh. Nhà trường thường xuyên yêu cầu bổ sung giấy khai sinh nhưng từ đầu năm học đến nay gia đình vẫn chưa làm được.

Trước thực tế đó, UBND xã Quảng Thành đã có văn bản gửi Phòng Tư pháp thị xã Gia Nghĩa và Sở Tư pháp hướng dẫn địa phương cách giải quyết thực trạng trên. Mặt khác, xã chỉ đạo ban tự quản thôn và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền để người dân quan tâm đến việc làm hộ khẩu, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, có điều kiện ổn định đời sống và phát triển sản xuất.

Theo Đắk Nông Online