THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14, ngày 06/11/2018, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang đã tham gia góp ý kiến đối với 4 vấn đề liên quan đến dự thảo Luật nói trên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang thảo luận tại Hội trường Kỳ họp |
Về Hội đồng trường, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường
Về cơ bản đại biểu Nguyễn Trường Giang đồng ý với quy định của dự thảo Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường. Theo đại biểu, quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường thực chất là chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản góp phần làm tăng tính tự chủ của các trường, tiến tới bỏ cơ chế chủ quản là phù hợp với chủ trương chung. Thực tiễn trong thời gian qua, Hội đồng trường hoạt động còn hình thức, chưa thực quyền do vẫn còn duy trì cơ quan chủ quản. Những quyền hạn của cơ quan chủ quản chuyển giao cho một tập thể, cụ thể là Hội đồng trường chứ không nên trao cho cá nhân hiệu trưởng. Hiệu trưởng và bộ máy của hiệu trưởng điều hành hành chính, thực hiện chủ trương, định hướng của Hội đồng trường và chịu sự giám sát của hội đồng trường, xã hội, tập thể giáo viên và người học.
Về tuổi của Chủ tịch Hội đồng trường, theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, dự thảo luật quy định một trong những tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng trường là đủ sức khỏe để làm việc và tuổi của Hội đồng trường công lập theo quy định của pháp luật là chưa đầy đủ, rõ ràng. Đối với các trường ngoài công lập như thế nào là đủ sức khỏe để làm việc, đối với các trường công lập tuổi theo quy định của pháp luật sẽ do cơ quan nào quy định? Đại biểu Giang đề nghị xác định thẩm quyền này ngay trong luật hoặc giao cho cơ quan nào đó quy định bằng văn bản dưới luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động khoa học, công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang nhận định: Theo thông lệ quốc tế được thừa nhận chung và áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục đại học trên thế giới, các trường đại học luôn có 3 sứ mệnh quan trọng song hành đó là: Đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phục vụ xã hội, cộng đồng chủ yếu thông qua các thương mại hóa kết quả nghiên cứu gắn với công nghiệp và doanh nghiệp để đưa ra kết quả nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Nhìn chung, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có nhiều quy định liên quan tới cả 3 sứ mệnh nói trên của các trường đại học, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, các nội dung liên quan tới thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, gắn kết đại học với xã hội, cộng đồng còn chưa rõ ràng. Do vậy, đại biểu đề nghị như sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động khoa học và công nghệ vào Điều 41 của Luật Giáo dục đại học đồng thời cũng cần nhấn mạnh nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học trong thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo trong các trường đại học không gian, đồng sáng tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo nhằm hỗ trợ cho những ý tưởng khởi nghiệp và các sinh viên, cựu sinh viên, giảng viên.
Thứ hai, đề nghị sửa đổi khoản 9 Điều 68 của Luật để làm nổi bật nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Cụ thể, sửa đổi quy định quản lý công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực giáo dục đại học thành quản lý công tác nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Dự thảo Luật quy định chung là giao Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong Luật, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực sức khỏe và một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Về vấn đề này, đại biểu Giang đề nghị cần thực hiện đúng quy định tại Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đó là: Trong trường hợp văn bản có điều khoản, điểm cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết chứ không quy định chung như dự thảo Luật.
Về Điều 3, Điều 4 của dự thảo luật.
Tại Điều 3 và Điều 4 của dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung điểm i khoản 1 Điều 16 của Luật Đầu tư và Điều 54 của Luật Đất đai. Đại biểu Giang cho rằng cần cân nhắc thận trọng đề xuất này vì những lý do sau:
Thứ nhất, việc ban hành một luật sửa nhiều luật đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nhưng nếu luật nào khi sửa đổi lại sửa đổi luật khác như thế này thì rất thiếu tính bao quát, khó đảm bảo cân bằng lợi ích, chi phí. Nhất là trong khi luật của chúng ta điều chỉnh nhiều lĩnh vực có liên quan trong một văn bản. Ví dụ, vấn đề đất đai chẳng hạn, hầu hết các luật đều điều chỉnh các lĩnh vực có liên quan đến đất đai.
Thứ hai, đây là hai chính sách mới được bổ sung, nếu sửa cần có sự đánh giá tác động, ý kiến của các bộ ngành có liên quan, nhất là ý kiến của Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp. Do vậy, đại biểu Giang đề nghị cần hoàn thiện đầy đủ các quy trình, thủ tục này để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi khi ban hành một chính sách mới. Trường hợp Quốc hội thấy cần thiết bổ sung hai chính sách trong luật này thì đề nghị cần có quy định chuyển tiếp để xử lý những vấn đề phát sinh giữa quy định hiện tại và quy định mới của luật khi có hiệu lực.
Về thời điểm hiệu lực của Luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan soạn thảo xác định hiệu lực của luật vào ngày 01/07/2019.
T.T