THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Tỉnh Đắk Nông được tái lập từ phần đất phía nam của tỉnh Đắk Lắk trước đây, nơi chưa từng được quan tâm đầu tư thỏa đáng, nên nhiều lĩnh vực phát triển còn hạn chế, trong đó có giáo dục, giáo dục tỉnh Đắk Nông có thể xem là vùng trũng của giáo dục Tây Nguyên và cả nước.
Trường Tiểu học Lê Lợi - huyện Krông Nô |
Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông ra đời cùng lúc với sự ra đời của tỉnh Đắk Nông (01/01/2004). Sau 15 năm thành lập, quy mô giáo dục và mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phát triển phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, tỉnh luôn chú trọng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương. Trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục đã nỗ lực phấn đấu không ngừng trong suốt 15 năm qua và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ.
Quy mô giáo dục tăng trưởng mạnh, mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng. Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành cùng với sự ra đời của Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã từng bước khắc phục khó khăn, phấn đầu vương lên đạt nhiều thành tựu đáng kể. Nếu như năm học 2003-2004, toàn ngành chỉ có 174 trường, với 105.020 học sinh các cấp học; thì đến nay, toàn tỉnh có 402 cơ sở giáo dục (tăng 2,3 lần so với năm học 2003-2004), với 170.592 học sinh (tăng 1,6 lần so với năm học 2003-2004); sau 15 năm chúng ta đã có trường THPT chuyên, có trung tâm GDTX và trung tâm Học tập cộng đồng; hệ thống trường học của tỉnh được mở rộng, bố trí tương đối hợp lý, các địa phương có đủ các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến THPT, hệ thống trường ngoài công lập được hình thành cùng với hệ thống công lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân.
Cơ sở vật chất trường học được đầu tư, các điều kiện bảo đảm dạy và học ngày càng tốt hơn. Quán triệt sâu sắc quan điểm "đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển", chính quyền và nhân dân đã tích cực huy động các nguồn lực, kết hợp linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giảm phòng học tạm bợ, duy tu sử dụng 47,83% phòng học bán kiên cố, tăng dần số lượng phòng học kiên cố trên 49,25%. Sau 15 năm, hầu hết các trường học phổ thông đã có đủ diện tích, khuôn viên trường học tương đối khang trang; nhiều trường mầm non, tiểu học đã có đủ cơ sơ vật chất để tổ chức học bán trú; hầu hết các trường trung học phổ thông từng bước được đầu tư chuẩn hoá và hiện đại các phòng học bộ môn; 100% trường học các cấp học có phòng vi tính, máy vi tính được nối mạng phục vụ tốt công tác quản lý, dạy và học.
Công tác chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được lãnh đạo chính quyền quan tâm. Các đơn vị địa phương đã tăng cường quản lý về mọi mặt, hướng đến chất lượng giáo dục đạt chuẩn quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 115 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 29,7%).
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Hầu hết các trường có đủ giáo viên, trên 99,8% giáo viên đạt chuẩn đào tạo sư phạm. Điều đáng ghi nhận là từ chỗ chỉ có số lượng ít giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi, thì qua 15 năm, toàn ngành đã có 1.847 lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 12 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Cũng trong 15 năm qua, toàn ngành đã có 3.635 cán bộ, giáo viên được biểu dương vì có những đề tài, sáng kiến kinh nghiệm áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy và quản lý. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên trong trường học và bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục được các cấp ủy Đảng đặc biệt quan tâm. Đến nay, tỷ lệ đảng viên đạt 44,88%.
Công tác quản lý giáo dục và đào tạo không ngừng được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động của các cơ sở giáo dục. Ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, công tác điều hành và quản lý được thực hiện thông qua kế hoạch, quy chế, đảm bảo dân chủ, công khai trong các hoạt động giáo dục. Công tác dự báo, đổi mới quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm; cơ cấu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý từng bước được điều chỉnh hợp lý.
Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến, sau 15 năm, giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát triển và ổn định, chuyển biến rõ nét nhất chính là sự chuyển biến từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức, sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh. Chất lượng giáo dục các cấp học đạt nhiều thành tựu, song song với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm đúng mức. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT trong những năm qua đều duy trì ở mức trung bình chung tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước. Năm 2018, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THCS đạt 99,3%, THPT đạt 97,05%. Năm đầu thành lập tỉnh, chúng ta chỉ có gần 7% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào vào đại học, cao đẳng, đến nay tỷ lệ này đã tăng lên trên 55%.
Chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số nói riêng cũng tiếp tục có những chuyển biến rõ nét và toàn diện ở các cấp học, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệpTHPT hằng năm ổn định; tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng lên. Số học sinh THCS ở các trường PTDTNT đủ điều kiện xét tuyển học tiếp bậc THPT ngày càng tăng (đạt tỷ lệ 82,8%). Năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp THPT tại các trường PTDTNT trong toàn tỉnh đạt trên 95%.
Mục tiêu phổ cập giáo dục được duy trì, tăng cường bền vững. Hơn 83,4% trẻ từ 3 đến dưới 5 tuổi được chăm sóc và giáo dục, 11,9% trẻ nhà trẻ được huy động đến trường, 99,7% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trên 97,5% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 và trên 87,4% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10; có trên 89% thanh niên 18 tuổi tốt nghiệp THCS và trên 94% người lớn biết chữ. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã công đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, đạt chuẩn về xóa mù chữ mức độ 1. Kết quả phổ cập giáo dục không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà quan trọng là đã làm chuyển biến mạnh ý thức và trách nhiệm của người dân đối với giáo dục.
Các phong trào thi đua tổ chức ngày càng chặt chẽ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển ở từng cơ sở. Nét nổi bật là phong trào thi đua "Dạy tốt - học tốt" đã trở thành truyền thống, xuyên suốt mọi hoạt động của ngành; tạo động lực và phát triển ý thức tự giác của đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành. Các nhà trường duy trì phong trào thi đua "Hai tốt" với nhiều nội dung cụ thể, hình thức phong phú, linh hoạt với nhiều chủ đề, chủ điểm; trọng tâm đổi mới phương pháp dạy - học; ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy; tổ chức câu lạc bộ, ngoại khoá,… Phong trào thi đua được thực hiện lồng ghép với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gắn kết với cuộc vận động "Hai không", cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Tất cả đã tác động tích cực và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện về chất lượng giáo dục.
Hoạt động xã hội hóa giáo dục ngày càng hiệu quả hơn, nhân dân chăm lo nhiều hơn đến việc học hành của con cái, cùng với nhà nước mở rộng cơ sở giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường học theo hướng "Xanh-Sạch - Đẹp - chuẩn hóa và hiện đại". Các tổ chức đoàn thể, lực lượng xã hội ngày càng tích cực tham gia giám sát hoạt động giáo dục, đồng thời chủ động tham gia các chương trình phối hợp giáo dục. Vai trò Ban đại diện cha mẹ học sinh ngày càng phát huy, là thành viên không thể thiếu trong quá trình giáo dục học sinh, xây dựng phát triển nhà trường.
Giáo dục Đắc Nông những năm tiếp theo:
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực văn hóa xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo cũng chịu nhiều tác động không thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, sự ra đời của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 8 Khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, "là một bước đột phá quan trọng, đánh dấu một mốc mới cho sự phát triển ngành Giáo dục nước nhà nói chung và giáo dục Đắk Nông nói riêng". Theo đó, giáo dục và đào tạo chuyển từ mô hình phát triển lấy số lượng làm trung tâm và quy mô là chính sang mô hình phát triển ưu tiên chất lượng và hiệu quả, chuyển biến từ nền giáo dục tập trung trang bị kiến thức, sang tập trung dạy học, phát hiện năng lực và phẩm chất của học sinh, coi việc nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực là mục tiêu của phát triển giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo Đắk Nông vừa thực hiện nhiệm của toàn ngành là ưu tiên phát triển mô hình chất lượng và hiệu quả, với đặc thù của tỉnh chúng ta vừa phải tập trung phát triển mô hình dựa trên số lượng và quy mô để giải quyết hệ thống trường lớp những nơi vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc.
Mục tiêu đến năm 2020, giáo dục Đắk Nông tiến kịp các tỉnh trong khu vực, có một vài lĩnh vực vượt trội hơn (giáo dục dân tộc, học sinh giỏi…). Vì vậy, ngoài những định hướng, chính sách của Trung ương, ngành Giáo dục Đắk Nông cần phải tập trung mạnh vào những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu Bộ GDĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và biên chế giáo viên đủ để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn trên cơ sở làm tốt công tác giáo dục toàn diện, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Thứ ba, cùng với hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng được tăng cường, đội ngũ giáo viên từng bước được bổ sung đủ cả về số lượng và chất lượng cơ cấu hợp lý. Trong những năm tiếp theo, Ngành ưu tiên đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu, để công bằng trong giáo dục ngày càng tốt hơn.
Thứ tư, tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức công dân; kết hợp hài hoà dạy chữ, dạy người và dạy nghề; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; qua đó, giáo dục học sinh sống hòa nhập vào tập thể và khả năng tiếp cận xã hội, môi trường sống, khơi dạy lòng nhiệt tình, khát vọng và nghị lực của các em để đưa đất nước và tỉnh nhà phát triển hơn nữa.
Thứ năm, đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo và công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời, quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó, hoàn thành nhiệm được giao.
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhà giáo và sự đồng thuận của xã hội trong đổi mới cán bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vận dụng đưa những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển giáo dục và đào tạo; khuyến khích phát triển loại hình trường tư thục ở các cấp học. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy đảng và chính quyền các cấp, sự quan tâm, ủng hộ, đồng thuận của các bậc phụ huynh, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, sự nỗ lực quyết tâm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, nhất định ngành GD-ĐT Đắk Nông sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện phát triển mạnh mẽ, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và bền vững.
Ngọc Linh