THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Phát triển cây ăn quả bền vững: Bắt đầu từ quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch
Ngày đăng 04/09/2018 | 10:56  | View count: 4662

Nhằm phát huy hiệu quả hơn những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm gần đây, ngành chức năng, các địa phương đang tăng cường các biện pháp quy hoạch, quản lý quy hoạch về phát triển cây ăn quả theo hướng an toàn, bền vững.

Quy hoạch chưa theo kịp thực tế

Vùng thị xã Gia Nghĩa và các xã thuộc huyện Đắk Glong, Đắk Song giáp Gia Nghĩa là vùng chuyên canh sầu riêng, bơ, cam quýt, măng cụt, chanh dây và chuối, trong đó tập trung tại vùng ven thị xã Gia Nghĩa. Vùng Đắk R'lấp và Tuy Đức chuyên canh chanh dây, sầu riêng, bơ, chuối, tập trung tại huyện Đắk R'lấp.

Như vậy, đánh giá về loại cây, có thể thấy sầu riêng, bơ là cây hầu như được quy hoạch trồng hầu khắp các địa bàn trên toàn tỉnh. Tổng diện tích quy hoạch trồng chuyên canh các loại cây ăn quả chủ yếu đến năm 2015 là 4.080 ha và đến năm 2020 là 5.935 ha.

Diện tích chanh dây hiện đã vượt quy hoạch đến 2020 trên 100 ha

Quy hoạch là vậy, còn thực tế thì hiện nay diện tích cây ăn quả đã tăng nhanh. Nếu như năm 2014, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh mới ở mức 4.600 ha thì năm 2017 đã lên đến 6.600 ha và đến hết tháng 6/2018 là 6.900 ha. Ở hầu hết các huyện, thị xã, diện tích cây ăn quả năm sau cao hơn năm trước. Nếu so sánh với quy hoạch chuyên canh thì diện tích cây ăn quả hiện nay đã đạt đến mức định hướng của năm 2020. Đó là chưa kể diện tích trồng xen được dự kiến đến năm 2020 khoảng trên 4.100 ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT), cùng với việc không đáp ứng về tổng diện tích, diện tích cụ thể của nhiều loại cây cũng đã có sự biến động lớn so với quy hoạch như: Diện tích sầu riêng, bơ, chanh dây, xoài… Việc phát triển mạnh về diện tích cây ăn quả một mặt đã chứng tỏ nông dân  Đắk Nông đã nắm bắt khá nhanh nhạy các nhu cầu của thị trường, trồng những loại cây thị trường cần. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, tự phát cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về giống chất lượng kém, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dư thừa sản phẩm, chất lượng chưa cao, không đồng đều…

 

Quyết định số 1579/QĐ-UBND, ngày 4/10/2013 của UBND tỉnh Đắk Nông về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông sản thực phẩm (cây ăn quả) tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn đến năm 2015 định hướng đến năm 2020. Theo đó, tỉnh chủ trương xây dựng 4 vùng sản xuất cây nông sản thực phẩm tập trung, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm với quy mô mỗi vùng phải đạt trên 1.000 ha.

Cụ thể, vùng Cư Jút, Bắc Krông Nô và Bắc Đắk Mil là vùng chuyên canh các loại cây ăn quả gồm: Xoài, sầu riêng, mít, nhãn, trong đó tập trung chủ yếu tại Cư Jút và xã Đắk Gằn (Đắk Mil). Vùng Đắk Mil bao gồm các xã thuộc huyện Đắk Song giáp huyện Đắk Mil và các xã phía Nam huyện Krông Nô là vùng chuyên canh các loại: Sầu riêng, bơ, mít.

 

Sẽ điều chỉnh, quản lý quy hoạch

Nhằm khắc phục những hạn chế của quy hoạch cây ăn quả, ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh trong việc điều chỉnh quy hoạch và tăng cường quản lý quy hoạch. Theo đó, việc điều chỉnh sẽ được gắn với hệ thống hạ tầng như giao thông, thủy lợi và hệ thống kho, bãi, cơ sở sơ chế, chế biến. Vấn đề quy hoạch vùng trồng được định hình cùng với chỉ dẫn địa lý làm cơ sở để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu…

Các cơ chế, chính sách về khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thực hiện tốt quy hoạch cũng sẽ được cụ thể hóa. Để hình thành các chuỗi giá trị cây ăn quả, tỉnh sẽ chú trọng sản xuất theo quy hoạch, gắn với chỉ dẫn địa lý với các chính sách ưu đãi về vốn, thu mua với giá cao hơn…

Ổi đang được nông dân thị xã Gia Nghĩa trồng khá nhiều. Ảnh: Nông dân xã Đắk Nia thu hoạch ổi xá xi

Hiện nay, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tiến hành điều tra, khảo sát để nắm chắc số liệu thực tế nhằm điều chỉnh, quản lý quy hoạch tốt hơn. Cụ thể, tỉnh đang hướng đến việc lựa chọn 1 đến 2 sản phẩm chủ lực tại mỗi vùng để lập quy hoạch vùng trồng, xác  định diện tích cụ thể đến các xã, thị trấn, thôn, bon. Vấn đề về công bố rộng rãi quy hoạch cho người dân tại cơ sở biết và huy động sức dân vào thực hiện được coi là một động lực mới.

Cũng theo ngành Nông nghiệp, cùng với sự tham vấn ý kiến của các ngành, địa phương, sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp trong vấn đề định hướng, dự báo thị trường được tỉnh coi trọng trong quá trình xây dựng quy hoạch sản xuất vùng cây ăn quả tập trung. Bởi quy hoạch không chỉ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cuộc sống mà còn bảo đảm sự phù hợp với nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm trái cây an toàn, chất lượng cao của người dân trong nước và quốc tế.

 

Bám sát cơ sở để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền

Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thông tin, tuyên truyền, quảng bá, kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả. Để làm được những điều này, vấn đề quy hoạch, thực hiện tốt quy hoạch được coi là tiền đề quan trọng đầu tiên. Trong đó, vai trò của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ chuyên trách làm nông nghiệp, khuyến nông cấp xã, thôn, bon, buôn, bản là rất lớn. Chính họ là những người sát sao với nông dân, với ruộng đồng, nương rẫy, dễ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nông dân, tuyên truyền định hướng tốt nhất cho nông dân về những ưu việt khi canh tác theo quy hoạch.

(Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

***

Quy hoạch vùng trồng gắn với quy hoạch thị trường

Quy hoạch thị trường là vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Để sản xuất mang tính hàng hóa và theo chuỗi giá trị  cần có thị trường tiêu thụ với địa chỉ, quy mô tiêu thụ rõ ràng. Thị trường sẽ quyết định quy mô diện tích, sản lượng tiêu dùng nội địa hay xuất khẩu cho mỗi chủng loại cây khác nhau. Công tác này phải được tiến hành song song với quy hoạch vùng sản xuất. Làm được điều này, sản phẩm cây ăn quả của tỉnh sẽ có được mức giá ổn định qua các năm.

(Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên)

***

Phân định chính sách rõ ràng trong và ngoài vùng quy hoạch

Theo tôi, để quản lý được quy hoạch về phát triển nông nghiệp nói chung và cây ăn quả nói riêng, nhà nước phải xây dựng được chính sách rõ ràng cho trong và ngoài vùng quy hoạch. Cụ thể như cần ưu tiên diện tích trong vùng quy hoạch về hỗ trợ lãi suất vay vốn, cây con giống, tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật, xây dựng mô hình rồi bao tiêu sản phẩm. Chỉ khi đánh vào lợi ích kinh tế, cộng với việc tuyên truyền, vận động tốt thì mới phát huy hiệu quả quy hoạch.  

(Ông Lương Văn Hiệp, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa)

 

Theo Đắk Nông Online