THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Ngày 15/8/2018, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành, địa phương nhằm thảo luận về kế hoạch xây dựng và phát triển các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Cuộc họp do đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về thực trạng phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có làng nghề theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Riêng đối với nghề truyền thống, trên địa bàn tỉnh có 4 nghề truyền thống chưa được công nhận bao gồm các nghề: Dệt thổ cẩm; đan lát, mây tre đan; thêu ren và rượu cần. Các nghề này phân bố tại các bon, buôn trên địa bàn một số xã tại 4 huyện, thị xã gồm: Cư Jút, Tuy Đức, Krông Nô, Gia Nghĩa; Tuy nhiên, đây là các nghề do một số nghệ nhân người đồng bào thiểu số tại chỗ tự sản xuất để phục vụ trong gia đình hoặc tại các lễ hội truyền thống, hoạt động không liên tục, có nguy cơ bị mai một.
Ông Nguyễn Cầu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày thực trạng phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh |
Phát biểu tại cuộc họp, Ông Nguyễn Cầu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các ngành nghề nông thôn như: sản xuất mộc thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, mây tre đan, cơ khí nhỏ, sinh vật cảnh và dịch vụ... tuy đã có những bước phát triển nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhìn chung, sản phẩm của ngành nghề nông thôn Đắk Nông còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa theo kịp với yêu cầu của đời sống xã hội và thị hiếu của người tiêu dùng. Một số nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa của các dân tộc nhưng đang có nguy cơ mai một, thất truyền do sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại được sản xuất công nghiệp và ngày càng ít được sử dụng trong đời sống hàng ngày như: Dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy vậy, ngành nghề nông thôn cũng đã chứng tỏ vai trò của nó trong việc phát triển kinh tế, xã hội vùng nông thôn, thu hút lao động dư thừa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị sản lượng không nhỏ trong kinh tế nông thôn, nhất là ở các thị trấn, thị tứ, cụm kinh tế xã, liên xã. Do đó, công tác hỗ trợ để ngành nghề nông thôn phát triển, phát huy vai trò của nó trong đời sống xã hội là hết sức quan trọng và cần thiết.
Ông Trần Đình Ninh - Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa đề xuất việc hỗ trợ kinh phí ban đầu để người dân địa phương duy trì nghề truyền thống |
Theo đó, nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 1236/QĐ-UBND ngày 17/8/2015. Sở NN&PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề và tiêu chí, hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương đã thảo luận, bàn bạc các giải pháp phát triển ngành nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới, trong đó tập trung vào các giải pháp về: Nguồn vốn; khuyến công và phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về vùng nguyên liệu; xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; quản lý và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã bàn bạc về giải pháp tháo gỡ khó khăn và phương thức phối hợp để tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quan điểm về việc khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống; quy hoạch các làng nghề gắn với phát triển du lịch...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu kết luận tại buổi làm việc |
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh việc phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm mục đích bảo tồn bản sắc dân tộc đồng bào thiểu số tại chỗ là một việc làm có ý nghĩa không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc giảm nghèo mà nó còn đóng vai trò lớn trong việc phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Do vậy, các cấp, ngành, nhất là những đơn vị đầu mối như Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Lao động,Thương binh và Xã hội phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển làng nghề. UBND các huyện, thị xã cần thực hiện việc điều tra, khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn có tiềm năng, nghiên cứu nguồn lực có sẵn ở địa phương để tập trung cho việc xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; căn cứ theo tiêu chí theo quy định để lập hồ sơ về nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn trình UBND tỉnh xem xét, công nhận. Các Sở, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua các chương trình, dự án về phát triển ngành, nghề nông thôn.
Sam Nguyễn