THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Cho đến thời điểm này, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thành công các cuộc họp báo ở trong và ngoài tỉnh để giới thiệu Chương trình "Đắk Nông - Mùa bơ chín", nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm bơ Đắk Nông đến người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu bơ trong và ngoài nước.
|
Bơ của Đắk Nông được người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng. Ảnh: Hồng Thoan |
Đáng chú ý, tại các cuộc họp báo, đại diện một số doanh nghiệp lớn trong cả nước đã có khá nhiều thông tin về triển vọng thực hiện các dự án phát triển cây bơ tại Đắk Nông có thể mang lại doanh thu tỷ USD. Các doanh nghiệp cho rằng, bơ của Đắk Nông đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, bởi giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là một loại quả "siêu thực phẩm" ít nơi nào có được.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp cuộc sống xanh (T.Vita) thuộc Tập đoàn T&T, quả bơ không chỉ đơn thuần sử dụng ăn tươi như lâu nay mà còn có thể chế biến ra nhiều sản phẩm cao cấp khác như salat bơ, kem bơ, bơ sấy khô, mỹ phẩm…
Đối với người tiêu dùng trên thế giới, quả bơ không còn xa lạ, khi chúng được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu thực phẩm cũng như chăm sóc sắc đẹp. Vì vậy, giá trị thương phẩm của quả bơ trên thị trường thế giới rất cao, ở Nhật Bản, hay các nước châu Âu, một quả bơ có giá lên đến 10 USD.
T.Vita là doanh nghiệp vận hành sản xuất và phân phối theo chuỗi khép kín, tích hợp công nghệ cao trong trồng trọt và chế biến, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng, tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Vì vậy, T.Vita đang xúc tiến triển khai dự án phát triển cây bơ chất lượng cao tại Đắk Nông với việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tạo ra sản phẩm bơ an toàn, chất lượng đẳng cấp, kết hợp với công nghệ bảo quản và chế biến hiện đại để phục vụ xuất khẩu.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Sam Nông nghiệp công nghệ cao (Sam Agritech), cây bơ có thể nhanh chóng trở thành cây tỷ USD tại Việt Nam nếu làm tốt công tác thị trường, giải được bài toán chuỗi giá trị sản phẩm. Năm 2017, giá trị thị trường bơ thế giới là 13 tỷ USD, dự báo 10 năm tới tăng lên 23 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ bơ trên thế giới tăng mạnh, như Trung Quốc năm 2017 nhập khẩu 32.000 tấn bơ, gấp 1.000 lần so với năm 2011; Hàn Quốc nhập 5.000 tấn bơ, gấp 11 lần so với năm 2010. Qua khảo nghiệm, công ty thấy cây bơ phát triển rất tốt tại Đắk Nông. Công ty đã hợp tác với Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới để phát triển toàn diện cây bơ, xây dựng chuỗi giá trị về bơ phục vụ xuất khẩu và trong nước. Nội dung chính của dự án là đưa giống bơ Hass mới-loại giống đang chiếm 80% nhu cầu thế giới vào trồng thử nghiệm và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm bơ, trong đó có nhà máy chế biến dầu bơ.
Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cho rằng, với những thông tin trên của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản cũng như thực tế triển khai, việc phát triển cây bơ theo hướng bền vững thời gian tới là điều hoàn toàn khả thi.
Thực tế, trong những năm gần đây, không ít nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp ở Đắk Nông đã có thu nhập cao khi trồng các giống bơ cho quả ngon, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, việc tỉnh, các ngành chức năng, doanh nghiệp xúc tiến những bước đi cần thiết cũng chỉ với mong muốn tiếp tục đồng hành cùng nông dân, tạo cho cây bơ thực sự "lên ngôi", có vị trí xứng đáng trong cơ cấu cây trồng, trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.