THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Đắk Nông mùa bơ chín 2018: Các địa phương đã sẵn sàng
Ngày đăng 22/06/2018 | 09:45  | View count: 109512

Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín năm 2018 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/7 tại thị xã Gia Nghĩa. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị để tham gia Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín đang được các địa phương triển khai hết sức khẩn trương.

 

Người trồng bơ kỳ vọng Đắk Nông mùa bơ chín sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho nông dân

Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 2.600ha bơ, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cây ăn quả trên địa bàn, năng suất bình quân 10–15 tấn/ha. Diện tích bơ được trồng tại các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R'lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Gia Nghĩa...

Theo đánh giá của ngành chức năng, từ trước đến nay, cây bơ và sản phẩm bơ của tỉnh Đắk Nông chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Vì thế, sự kiện Đắk Nông mùa bơ chín 2018 đang thu hút được sự quan tâm của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Để chuẩn bị cho Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín, huyện Đắk Mil đã rà soát, thống kê các hộ sản xuất kinh doanh bơ, nông sản trên địa bàn. Tính đến nay, toàn huyện Đắk Mil có gần 300 ha đất trồng bơ theo hình thức trồng thuần, trồng xen, sản lượng khoảng 3.424 tấn/năm với các giống bơ: booth, hass, bơ 034, sáp vàng, bơ tứ quý và các giống bơ địa phương…

Với hiệu quả kinh tế mà cây bơ mang lại thời gian qua, diện tích trồng bơ trên địa bàn đang có xu hướng tăng dần theo từng năm. Chuẩn bị cho các hoạt động của Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín, huyện đang tiến hành lựa chọn các giống bơ ngon, tổ chức hội thi "trái bơ ngon Đắk Mil" trước khi mang bơ đi tham gia chương trình. Đến nay, huyện đã lựa chọn và giới thiệu 7 tổ chức, cá nhân tham gia các gian hàng triển lãm, xây dựng các mô hình sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn 50 hộ trồng bơ tham gia Hội thảo kết nối cung cầu tại Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín 2018...

Hiện nay nông dân chủ yếu bán bơ cho các thương lái

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, việc phát triển cây bơ trên địa bàn thời gian qua vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chạy theo thị trường dẫn đến nguy cơ "được mùa mất giá, được giá mất mùa", gây thiệt hại cho người sản xuất. Hệ thống thu mua, chế biến, bảo quản bơ trên địa bàn chưa phát triển nên tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào thương lái. Vì thế, tham gia Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín, thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến, huyện mong muốn sẽ giới thiệu các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm kết nối với các hộ sản xuất bơ trên địa bàn để bơ có đầu ra ổn định.

Tương tự, huyện Đắk Song cũng là địa phương có diện tích trồng bơ khá lớn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đắk Song hiện có khoảng 300ha bơ vừa trồng xen vừa trồng thuần. Trong đó, diện tích bơ kinh doanh hơn 200ha. Để phát triển bơ theo hướng bền vững, huyện đang triển khai xây dựng 5 vườn bơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện huyện đã hoàn thành công đoạn phân tích mẫu nước, mẫu đất, chờ bơ chín để lấy mẫu phân tích các chất trong sản phẩm bơ để đánh giá chất lượng, sự thành công của các mô hình.

Tại huyện Đắk R'lấp, cây bơ chưa phải là cây chủ lực của địa phương nhưng với diện tích đang có xu hướng tăng, bơ trở thành nguồn thu nhập lớn cho người dân. Ông Lê Mai Toản - Phó Chủ tịch huyện Đắk R'lấp cho biết: Huyện có gần 400ha đất trồng bơ, sản lượng 2.600 tấn/năm. Để chuẩn bị cho Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín, huyện đã triển khai chuẩn bị các gian hàng với các sản phẩm đặc thù của địa phương. Để phát triển bền vững cây bơ trên địa bàn, huyện phối hợp với trang trại, tổ hợp tác, HTX để sản xuất bơ bền vững; tuyên truyền sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, dán tem truy xuất nguồn gốc, ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Còn tại các địa phương khác, công tác chuẩn bị cho Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín cũng đang được triển khai một cách khẩn trương, cụ thể, chi tiết đến từng hộ sản xuất bơ.

 

Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín năm 2018 là sự kiện tôn vinh trái bơ lần đầu tiên được tổ chức tại Đắk Nông. Chương trình nhằm mục tiêu quảng bá sản phẩm "Bơ Đắk Nông" đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị trái bơ đối với người sản xuất và kinh doanh, khẳng định vị thế bơ Đắk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Đây còn là dịp để doanh nghiệp, nông dân tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, thu mua, chế biến; tìm kiếm và tuyển chọn những giống bơ ngon, chất lượng, năng suất cao làm giống đầu dòng để đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; đồng thời, kết hợp quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Nông nhằm xúc tiến kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương.

Ông Lê Văn Một - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch - Đầu tư) đánh giá: công tác chuẩn bị của các địa phương đến thời điểm này đã được UBND các huyện triển khai cho các phòng và các đoàn thể, trong đó trọng tâm là Hội nông dân và các hộ sản xuất bơ. Qua kiểm tra, rà soát, nhận thấy các địa phương đang gấp rút chuẩn bị tương đối chu đáo, đúng với nội dung, kế hoạch mà tỉnh đề ra. Đây là chương trình  đang được cả hệ thống chính trị, toàn dân quan tâm, vào cuộc và là một trong nhiều sự kiện trọng tâm hướng đến kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh.

 

Gỡ khó cho người dân

* Khó khăn nhất hiện nay của người trồng bơ là đầu ra, giá cả thấp và thường bị thương lái ép giá. Hy vọng Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín sẽ tìm được thị trường bao tiêu sản phẩm ổn định, hướng tới tìm thị trường xuất khẩu bơ cho người nông dân.

Bà Phùng Thị Linh, trú tại bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song)

* Nông dân trồng bơ chúng tôi cần hỗ trợ kỹ thuật vì hiện nay chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm. 2 năm nay, người trồng bơ booth hầu như mất mùa do biến đổi khí hậu và mưa trúng vào thời điểm cây ra hoa, rất mong sự hỗ trợ của các ngành chuyêm môn. Bên cạnh đó, bơ bị ruồi vàng chích dẫn đến hư quả dùng thuốc gì trị hiệu quả, thuốc gì bảo đảm an toàn cũng cần sự tư vấn của đơn vị chuyên môn. Hiện nay gia đình tôi chủ yếu dùng các loại thuốc trị bệnh bằng sinh học nhưng được phép dùng loại gì, loại gì cấm tôi cần được tư vấn. Mong rằng, chương trình Đắk Nông mùa bơ chín sẽ có các chuyên gia giải đáp được những thắc mắc này cho nông dân.

Ông Nghiêm Văn Dũng, trú tại xã Thuận Hạnh (Đắk Song)

* Cây bơ rất dễ trồng và dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao. Tôi đang phát triển và chăm sóc bơ theo hướng hữu cơ, vi sinh. Tham gia Chương trình Đắk Nông mùa bơ chín với sản phẩm bơ của gia đình, tôi mong muốn có được đầu ra ổn định, quảng bá, giới thiệu được nhiều giống bơ địa phương năng suất cao, dễ trồng, chăm sóc để thuận lợi cho người sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Hoan, trú tại xã Thuận An (Đắk Mil)

* Thời gian gần đây trên địa bàn phát triển cây bơ khá ồ ạt, mong sao chính quyền sớm có quy hoạch vùng, diện tích phù hợp để người dân phát triển hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu như một số cây trồng khác.

Ông Vũ Quang Diễn, trú tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

 

Theo Đắk Nông Online