THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Hiệu quả từ Dự án cải tạo đàn bò lai
Ngày đăng 07/03/2018 | 08:36  | View count: 5902

Sau gần 10 năm triển khai, dự án cải tạo đàn bò lai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã mang lại nhiều kết quả hết sức ấn tượng. Không chỉ góp phần giải quyết bài toán khó về giống bò, dự án còn mở ra cho ngành chăn nuôi tỉnh nhà một hướng đi mới, khả quan hơn trong tương lai.

 

Bò đực giống Brahman đỏ có ngoại hình to lớn, u yếm phát triển. (Trong ảnh: Bò đực giống Brahman đỏ đang được gia đình anh Đinh Tiên Hoàng, tổ 2, phường Nghĩa Phú, Gia Nghĩa chăn nuôi, quản lý)

Tốc độ tăng trưởng "ấn tượng"

Dự án lai tạo đàn bò được triển khai đầu tiên tại huyện Chư Jút từ cuối năm 2009. Với 63 bò đực giống lai trên 75% máu Brahman đỏ và 946 con bò cái nền giống địa phương, dự án có mục tiêu tạo ra 1.660 con bê lai cải tiến F1 có trọng lượng 220 - 250 kg/con lúc 24 tháng tuổi và 129 con bê lai cấp tiến F2 có trọng lượng bò cái 280 kg khi 36 tháng tuổi, bò thịt từ 280 - 300 kg/con trở lên khi 24 tháng tuổi.

Đến khi kết thúc dự án (năm 2013), huyện Chư Jút đã lai tạo ra 4.298 bò lai cải tiến F1 (đạt 259%) và lai tạo được 237 con bò lai cấp tiến F2 (đạt 184%). Theo phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút, hiện toàn bộ đàn bò của huyện đều đã được lai tạo với 4.720 con bò lai F1 và 806 con bò lai F2. Đàn bò lai đã và đang phát triển rất tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu và phương thức chăn nuôi của địa phương.

Bò đực giống Brahman đỏ kết hợp với bò cái vàng Việt Nam tạo ra giống bò lai có ưu điểm vượt trội

Tại các huyện Đắk Glong và Tuy Đức, dự án lai tạo đàn bò được triển khai từ cuối năm 2012 - 2016 với 87 giống bò đực giống Brahman đỏ và 1.307 con bò cái nền giống địa phương. Mục tiêu của dự án là tạo ra 944 con bò lai F1, song khi kết thúc dự án, số lượng bò F1 đã đạt 1.693 con (đạt 170% kế hoạch). Hiện tại, số lượng bò lai F1 và F2 của 2 huyện này đạt 3.768 con, chiếm 75% tổng đàn bò của 2 huyện (5.330 con).
5 huyện, thị xã còn lại, dự án lai tạo đàn bò được triển khai từ cuối năm 2014 với 200 bò đực Brahman đỏ và 3.333 con bò cái nền giống địa phương. Mục tiêu của dự án là đến hết năm 2018 sẽ tạo ra 6.783 con bê lai F1 và 439 con bê lai F2. Nhưng đến tháng 12/2017, tổng số bò F1 đã lai tạo đạt 7.141 con (đạt 105% kế hoạch Dự án).

 

Ngày 27/6/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 974/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển nhanh đàn bò thịt chất lượng cao tỉnh Đắk Nông. Từ năm 2009 tới nay, toàn tỉnh đã nhập 350 con bò đực giống lai trên 75% máu Brahman đỏ để lai tạo với đàn bò cái nền giống địa phương. Chương trình cải tạo đàn bò thịt được chia thành 3 dự án tại Chư Jút (2009 - 2013); Đắk Glong và Tuy Đức (2012 - 2016); Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R'lấp và Gia Nghĩa (2014 - 2018). Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thay thế hoàn toàn bò đực giống địa phương và lai tạo được 16.435 con bò lai F1 và F2.

 

Giải "bài toán" về giống

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp - PTNT), đàn bò lai là tổ hợp của 2 giống bò Brahman và bò vàng Việt Nam nên mang gen với nhiều ưu thế vượt trội hơn so với giống bố mẹ. Không chỉ thích nghi với điều kiện khí hậu và phương thức chăn nuôi của địa phương, đàn bò lai có khả năng chống chịu bệnh tật tốt hơn so với các giống nhập nội cao sản.

Về trọng lượng, đàn bò lai F1 Brahman đạt và vượt so với Quy định định mức các chỉ tiêu kỹ thuật đối với bò giống hướng thịt theo Tiêu chuẩn Việt Nam và vượt cao hơn nhiều so với bò vàng trong nước. Bê lai F1 sơ sinh nặng khoảng 23 kg nhưng đến 6 tháng tuổi đã đạt 133 kg và sau 2 năm có trọng lượng trung bình trên 300 kg (cao hơn bò vàng trong nước khoảng 150 kg).

Tỷ lệ xẻ thịt của bò F1 cũng rất cao (khoảng 50%) và chất lượng nên mang lại giá trị cao cho người nuôi. Nếu cùng trong một thời gian nuôi và đầu tư chi phí ngang nhau, giá trị bò lai F1 mang lại cao gấp đôi bò vàng trong nước. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tham gia và hưởng lợi. Dự án cải tạo đàn bò lai đã góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình, giúp họ thoát nghèo và làm giàu từ phát triển đàn bò lai.

Bê lai cải tiến F1 phù hợp với điều kiện tự nhiên và phương thức chăn nuôi của các địa phương nên sinh trưởng và phát triển nhanh, đạt khoảng 200 kg lúc gần 1 năm tuổi

Ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đánh giá: Dự án cải tạo đàn bò lai đã dần thể hiện tính ưu việt và là những bước đi đúng hướng trong công tác giống. Đây là tiền đề cho việc lai tạo các giống bò siêu thịt, có trọng lượng, chất lượng cao và việc phát triển đàn bò sữa trong tương lai của tỉnh nhà. Dự án bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, giải quyết được "bài toán khó" về công tác bò giống hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo ông Hưng, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác lai cải tiến và triển khai công tác lai cấp tiến để tiếp tục nâng cao chất lượng giống bò thịt của tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý đàn bò bằng giống bò lai bằng cách lập hồ sơ lý lịch cá thể từng con bò cái lai và đàn bò đực lai F2.

Theo Đăk Nông Online