THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Nông dân ra đồng đầu năm với hi vọng mùa màng bội thu
Ngày đăng 21/02/2018 | 07:26  | View count: 5041

Những ngày đầu năm, bên cạnh đón một cái Tết Nguyên đán Mậu Tuất vui vẻ, đầm ấm, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn không quên nhiệm vụ sản xuất bằng việc tranh thủ thời gian thăm đồng, bón phân, chăm sóc cây trồng, vật nuôi với hy vọng thêm một năm với những mùa vụ bội thu.

Mồng 3 Tết, ông Lê Đức Đạt, thôn Nghĩa Hòa, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tưới nước, bón phân dạng nước cho vườn cây

Bắt đầu từ mồng 2, 3 Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, trên cánh đồng các thôn 3, 4, 5 xã Đắk Ha (Đắk Glong), nhiều nông dân đã tranh thủ ra đồng sản xuất với khí thế hồ hởi, phấn khởi vì thời tiết khá thuận lợi.

Đang chăm sóc 3 sào lúa của mình, chị Chảo Chì Dìn, ở thôn 4, Đắk Ha cho biết: Mấy ngày tết, thời tiết thay đổi, nắng nóng nên từ chiều mồng 3 Tết, vợ chồng mình đã ra đồng thăm lúa xem đủ nước hay không để lấy nước vào ruộng phòng khô hạn, sâu bệnh. Giúp cây lúa phát triển, mình đã bón lót các loại phân tổng hợp NPK đầy đủ nên cây đang sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, chưa bị sâu bệnh tấn công, hy vọng năm mới sẽ có vụ mùa bội thu.

Cũng trên cánh đồng này, mới mồng 2 Tết, anh Triệu Văn Lợi, ở thôn 5, đang thực hiện các công việc khác nhau để chăm sóc vườn hồ tiêu gần 1 ha của gia đình. Hiện nay, vườn hồ tiêu của gia đình đã thu hoạch xong nên anh Lợi đang tập trung vào dọn, rửa vườn và bón phân.

Trao đổi về khí thế sản xuất đầu năm, anh Lợi cho biết: "So với năm ngoái thì năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên hồ tiêu chưa vàng lá, nhiều cây vẫn còn xanh nhưng tình trạng thiếu dinh dưỡng đã bắt đầu xảy ra ở một số trụ tiêu. Chính vì thế, mặc dù đang đón tết nhưng tôi cũng tranh thủ ra vườn tưới thêm cho cây phân bón sinh học dạng nước giúp cây dễ hấp thụ, tăng cường sức đề kháng".

Tại thị xã Gia Nghĩa, nhiều người ra vườn, vào rẫy sản xuất từ những ngày đầu năm với những niềm vui, hy vọng khác nhau. Ông Lê Đức Đạt, ở thôn Nghĩa Hòa, xã Đắk Nia thì tranh thủ ra vườn chỉ để kiểm tra biểu hiện vườn cây, kiểm tra độ ẩm đất trên hơn 4 ha đất trồng xen canh hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả.

Nói về tinh thần sản xuất đầu năm, ông Đạt khẳng định: So với những năm trước, năm nay hồ tiêu, cà phê giá cả đều hạ nhưng nếu biết tính toán tiết kiệm chi phí thì nông dân vẫn có lãi. Chính vì thế, gia đình tôi sản xuất theo hướng đa cây để giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập của một loại cây. Ngoài ra, gia đình còn phát triển chăn nuôi để tạo lượng phân bón chất lượng và tiết kiệm chi phí đầu vào.

Còn chị Chu Thị Ngoan, ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia có gần 500m2 đất trồng rau xanh thì cho biết: "Chiều mồng 2 Tết, tôi đã ra vườn tưới nước, cuốc cỏ cho các loại rau để kịp bán cho khách những ngày đầu năm. Chiều mồng 3 là ngày "đẹp" nên tôi đã đem hàng ra bán lấy hên. Rau vừa thu hoạch, tươi ngon nên bán nhanh và được giá, tôi cũng thấy vui". 

Chị Chu Thị Ngoan, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) từ mồng 2 Tết đã ra vườn chăm sóc rau

Huyện Đắk Mil có hơn 21.000 ha cà phê. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đắk Mil thì trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thời tiết nắng nóng nên nhiều vườn cà phê đã héo rủ. Chính vì thế, từ những ngày mồng 2, 3, 4, nhiều nông dân đã chủ động tưới nước cho vườn cây. Điều đáng mừng là hiện nay, hầu hết các công trình thủy lợi đều có mực nước đảm bảo nên cung cấp đủ nước tưới. Nhưng với tinh thần chủ động phòng, chống khô hạn vụ đông xuân, ngành Nông nghiệp Đắk Mil vẫn tích cực vận động nhân dân sử dụng nước tiết tiết kiệm.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, với tinh thần chung là "vui xuân không quên nhiệm vụ", ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông luôn có các văn bản, hướng dẫn sản xuất để chỉ đạo các địa phương, người dân quan tâm bám đồng, đảm bảo tiến độ chăm sóc cây trồng đúng thời vụ, kỹ thuật.  

Nông dân xã Thuận An (Đắk Mil) tưới nước, chăm sóc vườn cà phê tái canh

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT thì điều đáng mừng là qua nhiều năm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của ngành, các cấp chính quyền, bà con đã thường xuyên thăm đồng để xử lý kịp thời, hiệu quả hơn đối với các nhu cầu dinh dưỡng, sâu bệnh trên cây trồng. Nhất là với những cây ngắn ngày như lúa, ngô thì thời gian này là dịp cao điểm xuất hiện các bệnh hại nên nông dân cần biết phòng trừ bằng cách dùng các biện pháp canh tác chăm sóc để cây tự đẩy lùi bệnh, trường hợp, bệnh nặng có thể dùng thuốc phun xịt đúng cách. Cây dài ngày như cà phê, tiêu thì đây cũng là thời điểm sau thu hoạch nên cần vệ sinh vườn cây sạch sẽ, xác định đúng thời điểm cây cần nước, dinh dưỡng để tưới nước, bón phân giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

"Qua theo dõi thì đến thời điểm sau Tết Nguyên đán Mậu Tuấn 2018, từ cây ngắn ngày đến cây dài ngày không có dịch phát sinh, các loại sâu bệnh thông thường đều trong vòng kiểm soát của nhà nông, ngành Nông nghiệp tỉnh. Vụ đông xuân 2017- 2018, toàn tỉnh sản xuất được khoảng 8.000 ha cây ngắn ngày và chăm sóc hơn 129.000 ha cà phê, 33.000 ha hồ tiêu, 29.900 ha cao su và hơn 14.000 ha điều… Với những diễn biến này, thì mới đầu năm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một vụ mùa thành công" - ông Dần khẳng định.

Theo ĐăkNông Online