THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Quy định mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới
Ngày đăng 05/05/2017 | 09:09  | View count: 4087

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 12/2017/BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
 
 
 Ảnh minh họa - Internet

Theo đó, điều kiện đối với người học lái xe là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam. Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ, văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ đươc dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề số km lái xe an toàn như sau:

Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên.

Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên.

Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 3 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên.

Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Hình thức đào tạo

Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng A1, A2, A3, A4 và ô tô hạng B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra; riêng đối với các hạng A4, B1 phải được kiểm tra, cấp chứng chỉ đào tạo.

Người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B2, C, D, E và giấy phép lái xe các hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở được phép đào tạo và phải được kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo. Trong thời hạn trên 1 năm kể từ ngày cơ sở đào tạo kết thúc kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp khóa đào tạo, nếu không kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo thì phải đào tạo lại theo khóa học mới.

Thời hạn của giấy phép lái xe

Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017.

Phân hạng giấy phép lái xe

A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3; người khuyết tật lái xe mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật.

A2 cấp cho người lái xe để điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 175 cm3 trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

A3: Người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.

A4: Người lái xe điều khiển các loại máy kéo nhỏ có trọng tải đến 1000kg.

B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ, ô tô tải số tự động có trọng tải dưới 3.500 kg.

B1: dành cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe ô tô chở người đến 9 chỗ; ô tô tải, máy kéo kéo 1 rơ moóc có trọng tải dưới 3.500 kg.

B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau: ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.

C cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau: ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng và máy kéo kéo 1 rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3.500 kg trở lên; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2.

D cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau: Ô tô chở người từ 10 - 30 chỗ; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C.

E cấp cho người lái xe để điều khiển các loại xe sau: Ô tô chở người trên 30 chỗ; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D.

Theo chinhphu.vn