THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Ngày 17/11/2017, Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về việc xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô trở thành Công viên địa chất toàn cầu; đồng thời, yêu cầu phổ biến, quán triệt Chỉ thị này đến các chi bộ, cán bộ, đảng viên và toàn bộ nhân dân trong tỉnh để tổ chức thực hiện.
Chỉ thị này nêu rõ việc xác định ranh giới, đặc điểm, giá trị, tầm quan trọng của Công viên địa chất toàn cầu khu vực Krông Nô và tiến độ thực hiện quá trình xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô trở thành Công viên địa chất toàn cầu của tỉnh trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, tại Chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt trong thời gian tới, nhằm thực hiện thành công việc xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, Công viên địa chất khu vực Krông Nô thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và Gia Nghĩa với diện tích hơn 4.754 km2, dân số khoảng 473 nghìn người. Điểm nổi bật của Công viên là hệ thống các hang động núi lửa được hình thành trong đá basalt, không phải trong đá carbonat (đá vôi) như đa số những hang động khác ở Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu, phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ có giá trị trong hang động núi lửa, bổ sung thêm một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân người tiền sử ở vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên.
Khu vực huyện Krông Nô và vùng kế cận có tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên di sản địa chất rất phong phú, đa dạng, có khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, rừng đặc dụng Dray Sáp, có hơn 100 loài động, thực vật được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, có giá trị bảo tồn cao; nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại; có các di tích lịch sử được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh như: di tích lịch sử đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, di tích lịch sử Ngục Đắk Mil, di tích lịch sử cách mạng Căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV, di tích lịch sử Đồi 722 – Đắk Sắk; có sử thi Ot N'Drông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia…
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã và đang nỗ lực xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, tỉnh vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để đệ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất khu vực Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu. Nguyên nhân do lĩnh vực công viên địa chất toàn cầu là lĩnh vực mới của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, hiện chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định và các văn bản chuyên ngành hướng dẫn thực hiện. Thông tin, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng Công viên địa chất còn hạn chế. Năng lực, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong thực hiện nhiệm vụ nêu trên chưa tốt. Sự phối hợp của đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài "Nghiên cứu điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô" với các cấp, các ngành của tỉnh chưa chặt chẽ. Nguồn nhân lực, vật lực đầu tư xây dựng Công viên còn hạn chế…
Do vậy, trong thời gian tới, để tích cực, chủ động quyết tâm xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô trở thành Công viên địa chất toàn cầu theo tiêu chí của UNESCO, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức Chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tổ chức phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng Công viên địa chất khu vực Krông Nô, hướng tới tham gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang à toàn thể nhân dân, tạo sự đồng thuận về chủ trương và quyết tâm tham gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; tuyên truyền những giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên khu vực Công viên địa chất, di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên khu vực Công viên địa chất để toàn dân hiểu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; Tổ chức các hình thức giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực Công viên địa chất Khu vực Krông Nô (viết tắt là Công viên địa chất).
Tăng cường công tác quảng bá về Công viên địa chất bằng các hình thức như: pano, ấn phẩm, website, trung tâm thông tin, phòng trưng bày, bản đồ, tập gấp, video tuyên truyền; quảng bá về các giá trị Công viên địa chất cũng như quá trình xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Khi đã hình thành các sản phẩm du lịch, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Công viên địa chất.
Hai là, xây dựng các kế hoạch, đề án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực Công viên địa chất nhằm đáp ứng các tiêu chí của UNESCO và phục vụ phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
Ba là, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với du lịch nhằm phát huy có hiệu quả giá trị tự nhiên, văn hóa, đặc sản hàng hóa của tỉnh và của các địa phương trong khu vực Công viên địa chất.
Bốn là, Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng hướng dẫn viên du lịch đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu phát triển du lịch của Công viên địa chất. Có cơ chế, chính sách thu hút, đào tao, bồi dưỡng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào các hoạt động liên quan đến Công viên địa chất. Thực hiện hợp đồng công việc với đội ngũ chuyên gia để hỗ trợ xây dựng và bảo vệ hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Năm là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân.
Sáu là, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào các điểm, khu du lịch thuộc khu vực Công viên địa chất; ban hành kế hoạch và nội dung tuyên truyền để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Bảy là, các ban đảng của Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và kịp thời đề xuất giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị này.
Sam Nguyễn