THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Hội thảo lấy ý kiến đối với 2 đề án: Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 10/11/2017 | 08:24  | View count: 3579

Ngày 9/11, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với 2 đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến 2035.

Đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo môt số viện nghiên cứu, các sở, ban, ngành, địa phương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng đề nghị sử dụng công nghệ định vị GPS đề thiết lập bản đồ về quy hoạch Vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo đó, đối với Đề án Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trên các cơ sở lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, Đắk Nông sẽ chú trọng vào quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các loại cây, con chủ lực gồm: Cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi heo, bò.

Cụ thể, theo dự thảo đề án, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích quy hoạch 9. 510 ha. Đến 2035, toàn tỉnh có 36 vùng với diện tích quy hoạch 11.010 ha. Tổng số vốn thực hiện dự kiến hơn 2.600 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song góp ý về việc quy hoạch cây hồ tiêu không thể có yếu tố tích tụ ruộng đất

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung về việc xem xét lại số vùng, thu gọn diện tích, xác định  thứ tự ưu tiên, sản phẩm lợi thế đặc trưng có tính cạnh tranh gắn với chuỗi giá trị, vai trò của người dân, sự lồng ghép với các quy hoạch của các ngành khác…

Các đại biểu nghe cơ quan chuyên môn trình bày dự thảo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh

Đối với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mục tiêu chung mà Đề án hướng tới là nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trên cơ sở xây dựng , phát triển các chuỗi giá trị, ngành hàng để phát triển nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, đến đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh tăng bình quân 6,2%- 7,7 %/ năm.  Bình quân giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác đạt khoảng 140 triệu đồng. Đến năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng  bình quân 5,4%- 5,6%.

Dự thảo Đề án cũng đưa ra các nội dung cụ thể về tái cơ cấu các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp với nhiều giải pháp đồng bộ. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến về phát huy các thế mạnh sản phẩm cà phê, hồ tiêu theo hướng sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, liên doanh, liên kết; quan tâm nhiều hơn đối với cây ăn quả, cây dược liệu, phát huy vai trò của các hợp tác xã, đầu tư hạ tầng trong tái cơ cấu...

Ông Trương Hồng, Viện Trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phát biểu tại hội thảo về đảm bảo tính chặt chẽ của tái cơ cấu

Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Trương Thanh Tùng cho rằng, các ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu đều rất xác đáng, đơn vị tư vấn và chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nên nghiêm túc bổ sung đưa vào quy hoạch. Đồng chí nhấn mạnh về quy hoạch vùng nào, cây con nào phải chứng minh được cơ sở thực tiễn chứ không  làm theo quy chụp nhằm tạo sự thuyết phục, bảo đảm tính khả thi, đồng thời phải kết hợp công nghệ định vị GPS để xây dựng bản đồ chung nhằm mục đích dễ thực hiện, quản lý.

Trong  Dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đơn vị soạn thảo cần đánh giá, nhìn nhận đúng hơn các thách thức lớn của biến đổi khí hậu đối với Ngành Nông nghiệp hiện nay như: thiếu nước tưới, nguồn lực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các sản phẩm chủ lực cạnh tranh...

Theo Đắk Nông Online