THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Sáng 25/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu cấp huyện trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các đơn vị liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Theo báo cáo tại Hội nghị ở nước ta, năm 2021, tình hình thiên tai tuy không diễn ra khốc liệt và dị thường nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh đó là hậu quả nghiêm trọng của của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực vẫn chưa được phục hồi.
Trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai; trong đó, có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 326 trận giông, lốc sét, 170 trận lũ quét, sạt lở đất, 139 trận động đất, 403 điểm sạt lở nguy hiểm… Thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020) thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).
Mặc dù, tình hình diễn biến dịch Covid-19 trong năm 2021 hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá làm rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTT và TKCN năm 2021 và đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này trong năm 2022; nhất là đặt ra giải pháp cho mùa mưa bão sắp tới như: tăng cường nguồn lực cho phòng, chống thiên tai; tăng cường các hồ chứa, hồ thủy lợi ở thượng nguồn; xây dựng các trạm quan trắc để đưa ra cảnh báo sớm và chính xác hơn; tăng cường ứng dụng CNTT để thông tin nhanh đến người dân, xây dựng app ứng dụng về PCTT và TKCN trên thiết bị điện thoại di động…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách, pháp luật về PCTT, xây dựng các chính sách khuyến khích để động viên các cơ quan, đơn vị và nhân dân cùng tham gia PCTT; Cần đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; Ưu tiên đầu tư công nghệ quan trắc thủy văn theo hướng đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; Lấy phương châm "phòng là chính", "chỉ đạo từ sớm, từ xa", cần triển khai ngay việc rà soát phương tiện, phương án PCTT trên toàn quốc; ưu tiên kiểm tra các điểm xung yếu để đề ra các giải pháp trước mắt. Các địa phương tiếp tục hoàn thiện và nâng cao năng lực tổ chức bộ máy PCTT và TKCN các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện thiên tai diễn biến phức tạp như hiện nay.
Sau hội nghị, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Chương trình tổng thể PCTT quốc gia; Chương trình sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai và các chương trình, dự án trọng điểm khác về PCTT để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.
Tấn Lê