TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Xã Quảng Trực trong quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển, từng ngày có nhiều khởi sắc
Ngày đăng 17/01/2020 | 11:00  | View count: 64815

Quảng Trực là một xã biên giới, nằm ở phía Nam huyện Tuy Đức, phía Tây giáp huyện Bù Gia Mập, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 55.908ha.

Trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xã Quảng Trực được xác định là khu vực có địa hình, địa thế, chính trị, quân sự quan trọng, đảm bảo an toàn cho hoạt động lãnh đạo, an toàn cho tuyến hành lang tiếp tế Bắc - Nam, là nơi gây dựng, phát triển phong trào cách mạng.

Tháng 12/1960, trên 20 bon làng của xã, mỗi bon thành lập 1 đội du kích gồm từ 5 đến 7 đồng chí để phục vụ cách mạng. Tháng 12/1961 Ban Cán sự K5 quyết định thành lập chi bộ Đảng tại bon Bu – Rơ - Nga làm nòng cốt lãnh đạo xây dựng làng xã chiến đấu, giúp đỡ các lực lượng vũ trang, tổ chức lao động sản xuất tạo nguồn lương thực, bảo vệ hành lang tiếp tế từ Miền Bắc vào chiến trường Đông Nam Bộ, sang khu vực biên giới CamPuChia, phục vụ kháng chiến.

Nhờ vậy, ta đã củng cố Bu – Rơ - Nga thành căn cứ của đội vũ trang tuyên truyền và xây dựng Bu-Đik-Dên thành một trạm hành lang quan trọng trên địa sản Kiến Đức. Thiếu tướng Phùng Đình Ấm nguyên Bí thư Huyện ủy K5, Phó Đoàn B90; Trung tướng Hoàng Câm - Nguyễn Tư lệnh Đoàn 95 và nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã trực tiếp ở đây để lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chính trị, vũ trang trên địa bàn tỉnh.

Tháng 9/1973, Bộ Tư lệnh Miến thành lập Đoàn 95 do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm Tư lệnh gồm có các trung đoàn bộ binh 271, 201, 205, trung đoàn pháo binh 262, trung đoàn thiết giáp M26 và trung đoàn đặc công đã hành quân từ tỉnh Long An Miền Đông Nam Bộ lên khu vực xã Kiến Trực (nay là xã Quảng Trực) trú quận để triển khai các mũi chiến đấu, mở các trận đánh lớn giải phóng vùng Nam Tây Nguyên, mở màn cho các chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ bon Bu - Rơ - Nga, đồng bào xã Quảng Trực đã hăng hái đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực, vũ khí giúp bộ đội, cứu chữa, chăm sóc thương bệnh binh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của trận tập kích đồn Bu Prăng.

Những đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội, như: Đồng chí Phùng Đình Âm, Bảy Ta, Phạm Văn Phận, Trần Thị Thảo, Hoàng Cầm đã từng được nhân dân các bon, làng xã Quảng Trực nuôi dưỡng, che dấu, bảo vệ, góp phần quan trọng trong việc phát triển lực lượng và giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng địa bàn tỉnh Quảng Đức và Nam Tây nguyên.

Ngày 01/4/1973, được sự ủng hộ của Quân ủy Trung ương, chỉ sau 3 tháng Mỹ ký hiệp định Pari, bộ đội Trường Sơn đã phát động ra quân xây dựng cầu đường, xây dựng đường ống xăng dầu đồng thời đảm bảo hệ thống thông tin trên tuyến với quyết tâm tháng 4/1974 thông tuyến bắt đầu từ Chà Lý vượt qua sông Sê Băng Hiêng (thuộc Vĩnh Linh) qua Hướng Hóa (Quảng Trị), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Khâm Đức (Quảng Nam), Plây Khốc, Sa Thầy, Pô Cô, Thăng Đức, Sêrêpốc, Đăk Đam, Burrăng (Tây Nguyên) kéo xuống Bù Gia Mập (miền Đông Nam Bộ) với chiều dài 1.200 km. Quán triệt nhiệm vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tư lệnh Trường Sơn tập trung xây dựng chấn chỉnh lại tổ chức và chủ động phối hợp với các ngành giao thông vận tải của Nhà nước, các địa phương, phát triển bến bãi, kho hàng đến cuối năm 1973, trên tuyến vận tải phía Bắc, hầu hết các kho đều được bố trí, sắp xếp dồn dịch lại. Các kho cơ bản của tuyến 559 được tổ chức thành trung đoàn kho cảng 541, có khả năng tiếp nhận từ 25.000 tấn đến 35.000 tấn vật chất. Một số kho có sức chứa từ 10.000 tấn đến 15.000 tấn, được xây dựng ở các khu vực Cam Ly - Lưới, Khâm Đức, Làng Hồi, Burăng - Làng Hồi, Burăng, La Ba Khê, Bù Gia Mập... Các hệ thống này nối liền với hậu phương lớn miền Bắc và các căn cứ cụm hậu cần của tác chiến trường Trị - Thiên, Khu 2, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ qua hệ thống đường chiến lược, chiến dịch (kể cả đường bộ và đường biển vào cảng Cửa Việt, Quảng Trị) tạo thành một thế trận hậu cần liên hoàn vững chắc, có dự trữ vật chất lớn và lực lượng vận tải mạnh sẵn sàng chi viện lớn, nhanh chóng cho các chiến trường.

BuPrăng được coi là một trong những khu dự trữ lớn cho chiến trường B2, được xây dựng ở xã Kiến Trực (nay thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Để đảm bảo an toàn, bí mật cho khu dự trữ chiến lược này, một yêu cầu hết sức quan trọng đặt ra cho Trung đoàn kho 541 là phải tuyệt đối bí mật, toàn bộ gỗ phải lấy từ xa đưa về, không được đón gỗ trong khu vực nhằm tránh làm lộ khu kho. Kho được xây dựng theo đúng quy cách để quản lý từng mặt hàng như kho vũ khí, kho quân trang, kho thuốc men, kho xăng dầu. Đây được xem như là một quy tắc, một kỷ luật đối với công tác kho (diện tích kho rộng trên 30,000m2). Để đảm bảo khối lượng hàng dự trữ cho kho, các cơ sở Hậu cần 500 và Đoàn hậu cần 340 trên đất Campuchia được lệnh rút lực lượng và phương tiện về tăng cường cho Đoàn hậu cần 770 tiếp nhận hàng từ hậu phương miền Bắc ở Stung-Treng chuyển về vùng biên giới cho kho dự trữ chiến lược B2. Cũng tại thời điểm này, lực lượng Sư đoàn 471 được lệnh chuyển 5.096 tấn hàng vào Đông Nam Bộ đồng thời cơ động Sư đoàn 968 đến Bắc Tây Nguyên (tính đến tháng 2 năm 1975 các cụm kho chiến dịch phía Nam Tây Nguyên như La Ba Khê, Bù Gia Mập, BuPrằng đã có trữ lượng 10.500 tấn.

Tháng 9/1973, Đoàn 95 gồm có các trung đoàn trực thuộc đã hành quân từ Miền đông Nam bộ đến đóng quân tại xã Quảng Trực (khu vực đồi chè và chốt Trương Tấn Bửu) với thời gian 2 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11/1973) để củng cố lực lượng tổ chức chiến đấu tiêu diệt các cử điểm dịch ở Đắk Song, Đức Lập, Tuy Đức, Bù Boong mở rộng vùng an toàn, giải phóng tỉnh Đắk Nông tạo thế và tạo đà để quân và dân ta giành nhiều thắng lợi tiếp theo.

Trong chống Pháp, nhân dân nơi đây luôn thể hiện tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ông Vớ-lúc-Pờ-Rá (cánh tay đắc lực của Tù trưởng NTrang Lơng, ở vùng sông Đắk Huýt, xã Quảng Trực ngày nay) đã tập hợp lực lượng chống lại sự cai trị của bọn Thực dân, điển hình là trận tập kích đội quân của công sứ Ga- Lăng (Pháp) đang tuần tiễu ở vùng Mơ Nông, gây tiếng vang lớn.

Tháng 01/1974, Vớ-lúc-Pờ-Rá chỉ huy nghĩa quân tấn công vào Bu-Mtum, đánh cánh quân dẫn đường tên công sứ tỉnh K-ra-ti-é là Ga-lăng đi tuân tiêu vùng M'nông.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đỉnh cao là giai đoạn từ năm 1961 nhân dân và lực lượng vũ trang xã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang phá hoại bầu cử của địch, tập kích vào các cuộc tuần tra, tập kích đánh đồn, bốt, phá vỡ âm mưu ấp chiến lược của kẻ địch.

Ngày 06/4/1961, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Kiến Trực phối hợp với đội vũ trang tuyên truyền huyện Kiến Đức chia làm 2 cánh: Cánh thứ nhất do đồng chí Phùng Đình Ấm chỉ huy đột nhập vào Tuy Đức phá hoại hoạt động bầu cử của địch, cuộc tập kích không thành, đồng chí Thanh - Tiểu đội phó hy sinh, đồng chí Phùng Đình Ấm bị thương nhẹ; cánh thứ hai do đồng chí Bảy Ta (Lê Văn Tây) chỉ huy phối hợp với du kích Bu-Rơ-Nga đột nhập khu tập trung gom dân của dịch ở Bon Bu Sóp (gần đồn Trương Tấn Bửu) phát động đồng bào đốt bỏ khu tập trung, mang tài sản trở về quê cũ làm ăn. Đội còn tổ chức các già làng kéo lên đấu tranh với địch, tên đại diện xã hoảng sợ phải nhượng bộ để quần chúng trở về bon cũ. Thừa thắng ta đột nhập vào Sở Trà (xã Quảng Trực) tên chủ người Pháp là Mô-rít-Sô hứa không dám chống lại cách mạng và sẵn sàng ủng hộ mặt trận giải phóng.

Đêm 20/11/1962, lực lượng du kích và nhân dân xã Kiến Trực dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Bu-Rơ-Nga đã phối hợp với bộ đội chủ lực của Trung đoàn 2 tổ chức đánh đồn bảo an BuPrăng (tức là đồn Krông-N'dong) là vị trí quan trọng của địch án ngữ khu vực ngã ba biên giới, do một trung đội địch chốt giữ. Ta hạ quyết tâm tiêu diệt cho được vị trí này và kết quả đã chiếm được đồn, bắt sống tên Trung úy đồn trưởng và một số tù binh, diệt 28 tên, làm bị thương 2 tên, thu nhiều vũ khí các loại. Trận đánh đã tạo được tiếng vang lớn, khiến cho bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Kiến Đức hoang mang lo sợ.

Ngày 15/11/1965, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, lực lượng vũ trang xã Kiến Trực cùng với lực lượng bộ đội chủ lực, tổ chức tấn công hang loạt các đồn bốt của địch trên địa bàn xã, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, bắn cháy 01 xe GMC và 1 xe Jeep, thu nhiều vũ khí cùng chiến lợi phẩm.

Tháng 4/1967, du kích xã kết hợp với quân chủ lực đánh đồn Năm Sao và đánh chặn xe địch tiếp tế chở quân vào Đồn. Trong trận đánh này, chúng ta đã tiêu diệt được gần 1 tiểu đội, bắt sống 18 tên (3 tên Mỹ), phá hủy 2 xe tăng, 4 xe Jeep, thu 50 khẩu súng các loại, trong đó có 5 khẩu M79...

Tháng 12/1968, Du kích xã kết hợp với Tỉnh đội tiếp tục đánh đồn Năm Sao và Đồn BuPrăng, ta tiếp tục giành thắng lợi lớn, tiêu diệt được 1 đại đội, bắt sống 8 tên (1 tên Mỹ), phá hủy 4 chiếc xe tăng, 2 xe Jeep, thu 2 khẩu pháo và 60 khẩu súng các loại, trong đó có 8 khẩu M79,

Tháng 4/1969, du kích xã kết hợp với Tỉnh đội tiếp tục đánh đồn BuPrăng. đồng thời phục kích xe tiếp tế của địch. Vì bị phục kích địch đã sử dụng trực thăng để chi viện. Trong trận đánh này, ta tiêu diệt được hơn 1 tiểu đội, bắt sống 11 tên, bắn rơi 1 chiếc trực thăng, 6 khẩu pháo và thu 95 khẩu súng các loại. Tháng 10/1969, Quân dân xã Quảng Trực đã phối hợp với bộ đội chủ lực - B3 và huyện Kiến Đức hăng hái tham gia dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch BuPrăng - Đức Lập; sau 4 ngày đêm chiến đấu anh dũng, ta đã tiêu diệt cứ điểm Ka Te, diệt gần 200 tên địch; chặn đánh một đoàn xe địch từ Buôn Ma Thuột xuống tăng viện.

Ngày 20/12/1969, du kích xã kết hợp với Tỉnh đội đánh đòn quyết định tại 3 tiểu đoàn quân chư hầu của Mỹ (Gồm đồn Năm sao, đồn BuPrăng và Chốt- Kung-Dô). Trong trận đánh này, chúng ta đã tiêu diệt được trên 1 tiểu đoàn, bắt sống 15 tên (2 tên Mỹ), bắn rơi 4 trực thăng, 2 chiếc F5a, 10 xe tăng, 8 khẩu pháo và thu 110 khẩu súng các loại. Địch thất bại hoàn toàn, rút quân về Bù Boong, địa bàn xã Quảng Trực đã được giải phóng, đây là khu vực đầu tiên trên địa bàn Nam Tây nguyên do ta làm chủ, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền và quân đội Ngụy, trở thành khu an toàn - thuận lợi cho việc trú quân, lập căn cứ, tập hợp lực lượng triển khai kháng chiến giải phóng nhiều khu vực khác trên vùng Nam Tây Nguyên của quân và dân ta, đồng thời mở ra tuyến hành lang an toàn cho việc tiếp tế quân lương từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam - Đông Nam bộ.

Địa bàn xã sau khi được giải phóng, du kích xã hỗ trợ các địa phương khác đánh hàng chục trận. Phối hợp với bộ đội huyện đánh tại ngã ba Đắk Song, tiêu diệt 5 tên, bắt sống 1 tên, thu 9 khẩu súng, bắn cháy 2 xe R10c; phối hợp với tỉnh đội đánh vào thị xã Đồng Xoài, tiêu diệt 1 trung đội, bắt sống 8 tên, bắn cháy 4 xe R10c, thu 2 khẩu cối 61mm, trên 20 khẩu súng các loại; năm 1973, hỗ trợ đánh sân bay Bù Boong, giải phóng Bù Boong, đưa bà con của xã trở về quê cũ; ngoài ra, du kích xã còn hỗ trợ đánh tại Phước Long, Bù Đăng, Kiến Đức, Nhân Cơ...và tham gia lực lượng giải phóng tiến về Sài Gòn.

Di tích Bu Prăng, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức to lớn: Nơi đây là một cụm kho dự trữ chiến lược cho chiến trường B2, một trọng điểm đánh lớn ác liệt của không quân và bộ binh Mỹ-Ngụy nhằm ngăn chặn tuyến vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Đông Nam Bộ trong những năm 1973-1975.

Bu Prăng là địa danh mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc. Là nơi ghi dấu những thành tích, những chiến công vẻ vang, sự hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 541, đã anh dũng, kiên cường bám trụ xây dựng cụm kho dự trữ chiến lược để tiếp nhận một khối lượng lớn hàng hóa, vũ khí, quân trang, thuốc men, xăng dầu từ hậu phương miền Bắc và nguồn hàng do lượng thu mua ở Stung-Treng, CamPuChia chuyển về để phục vụ cho trường miền Đông Nam Bộ (từ năm 1973 đến 30/4/1975), góp phần quan trọng vào chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua chặng đường đầy gian nan, thử thách trong quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển, Quảng Trực hôm nay đang thay đổi từng ngày và có nhiều khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, như: điện, đường, trường, trạm... đã được đầu tư đồng bộ, khang trang, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng lên, nhất là đời sống của các gia đình chính sách từng bước ổn định. Có được như vậy là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, đầu tư của Nhà nước, sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã phát huy truyền thống anh hùng cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng quê hương Tuy Đức ngày càng giàu đẹp.

Đây là hoạt động để nhớ về một thời quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy oanh liệt nhằm ghi nhận và tri ân công lao đóng góp, lòng nhiệt tình cách mạng của nhân dân xã Quảng Trực nói riêng, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông nói chung, đồng thời ghi nhận các địa danh lịch sử, góp phần nâng cao hơn nữa giáo dục truyền thống - Về đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ mai sau.

Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đời sống của nhân dân trên quê hương Quảng Trực anh hùng sẽ ngày càng no ấm, hạnh phúc./.

Hoàng Ngân