TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Mới đây, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, năm học 2016 - 2017, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Qua cuộc thi, nhiều dự án đã thể hiện được sự sáng tạo và mang ý nghĩa ứng dụng thực tế cao.
Dự án "Nước lau sàn nhà từ sả, chanh" đạt giải nhì của học sinh Trường Phổ thông DTNT Đắk R'lấp |
Xuất phát từ nhu cầu thực tế
Cuộc thi thu hút 62 dự án, thuộc nhiều lĩnh vực như khoa học xã hội và hành vi, hóa học, hóa sinh, kỹ thuật môi trường, hệ thống nhúng, năng lượng vật lý, kỹ thuật cơ khí, vật lý và thiên văn.
Theo đánh giá của Ban tổ chức thì hầu hết các dự án đều có sự chuẩn bị chu đáo, thể hiện được tính sáng tạo và có sự đầu tư nhiều về thời gian, công sức cũng như có sự nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng các kiến thức đã được học. Các dự án quan tâm đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhất là bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích trong quá trình học tập. Vì vậy, hầu hết các dự án đều có giá trị thực tiễn, áp dụng được trong thực tế với quy mô nhỏ.
Điển hình như phục vụ ứng dụng trong nhà trường có các dự án: "Xử lý chất thải hóa học sau thí nghiệm ở Trường THPT Đắk Song" của học sinh Trường THPT Đắk Song (Đắk Song); "Xử lý và tái chế rác thải trong trường học" và "Mạch khuếch đại âm thanh ứng dụng cho việc học nghe tiếng Anh" của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa); "Bộ chuông đèn điều khiển bằng Rơle" của học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Đắk Mil)…
Phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp có các dự án tiêu biểu: "Máy thu gom nông sản" của học sinh Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R'lấp); "Nghiên cứu tận dụng vỏ quả ca cao và cà phê làm chậu ươm cây giống" của học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh (Gia Nghĩa); "Máy khoan, kéo và trồng trụ tiêu đa năng" của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Tuy Đức); "Thiết bị tưới nước thân thiện với môi trường" của học sinh Trường THPT Phan Chu Trinh (Chư Jút)…
Nhiều dự án khác cũng thể hiện kỹ năng quan sát, nghiên cứu và thái độ, trách nhiệm của học sinh đối với các vấn đề của xã hội như: "Thực trạng và giải pháp ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá của học sinh trên địa bàn huyện Krông Nô" của học sinh Trường THPT Krông Nô (Krông Nô); "Một số giải pháp giúp học sinh dân tộc thiểu số người M'nông sống hòa nhập ở Trường THPT Đắk Song (Đắk Song)" của học sinh Trường THPT Đắk Song…
Em Đường Thị Mai, học sinh Trường Phổ thông DTNT Đắk R'lấp cho biết: "Trên cơ sở dự án điều chế làm nước rửa chén từ sả, chanh của các anh chị khóa trước, em và bạn cùng nghiên cứu cảm thấy đề tài có thể tiếp tục phát triển để ứng dụng nên chúng em đã quyết định thực hiện Dự án "Nghiên cứu điều chế nước rửa chén và nước lau sàn nhà hữu cơ thân thiện với môi trường từ nguồn cây sả, chanh Đắk Nông". Với kết quả nghiên cứu, sản phẩm của chúng em có thể ứng dụng trong thực tế, bảo đảm vệ sinh và an toàn sức khỏe cho người sử dụng".
Dự án "Máy khoan, kéo và trồng trụ tiêu đa năng" của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Tuy Đức) |
Thể hiện niềm đam mê, sáng tạo
Tại cuộc thi, có những học sinh đã tham gia nhiều lần, nhưng cũng có những em chỉ mới tham gia lần đầu. Thế nhưng, điểm chung ở các em là niềm đam mê và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Hầu hết các em đều tự tin trong quá trình thuyết trình và trả lời các vấn đề liên quan mà ban giám khảo đặt ra. Đây cũng là minh chứng cho thấy, các em học sinh luôn nắm vững kiến thức, thực hiện thành thạo quy trình nghiên cứu khoa học để tạo ra sản phẩm ứng dụng. Vì vậy, nhiều vị giám khảo đã gọi các em là "các nhà khoa học nhí".
Em Trần Nguyễn Thăng, học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh tâm sự: "Em vốn rất nhút nhát nên thường ngại khi tham gia các hoạt động tập thể. Từ khi tham gia nghiên cứu khoa học, bản thân phải tự làm nhiều việc, trong đó có cả rèn luyện khả năng thuyết trình trước đám đông nên bây giờ em cảm thấy tự tin hơn. Tham gia nghiên cứu khoa học thế này cũng giúp em hiểu sâu hơn về các vấn đề mình nghiên cứu. Em có thể tận dụng những kiến thức đã học để áp dụng vào thực tế nên thấy rất thú vị".
Em Lê Thị Hương Giang, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Quang Trung (Đắk Mil) cho biết: "Việc tham gia nghiên cứu khoa học thật sự rất bổ ích đối với học sinh chúng em. Đây là môi trường, sân chơi để những bạn thích nghiên cứu khoa học được thể hiện mình, được giao lưu với những bạn đồng sở thích. Qua việc nghiên cứu khoa học, em cũng rèn luyện thêm rất nhiều kỹ năng như sự tỉ mỉ, độ chính xác, tính kiên nhẫn…".
Theo ông Lê Nhơn, Trưởng Phòng Trung học (Sở Giáo dục - Đào tạo) thì các dự án tham gia cuộc thi của học sinh ngày càng có chất lượng và mang tính ứng dụng thực tế rất cao. Từ các cuộc thi, học sinh không chỉ thể hiện được niềm đam mê nghiên cứu khoa học mà còn là môi trường giúp hình thành thói quen nghiên cứu về sau. Từ các cuộc thi khoa học kỹ thuật, một số dự án đã được Sở Khoa học - Công nghệ trình cấp bản quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều dự án tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia và Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc... Điển hình như các dự án "Chiếc gối thông minh", "Phanh phụ ô tô", "Hệ thống cảnh báo nguy hiểm khi qua đoạn đèo dốc", "Tinh chế sữa tắm từ tinh dầu sả"… Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tăng cường các hoạt động để khích lệ học sinh tham gia nghiên cứu khoa học nhằm tạo phong trào nghiên cứu khoa học sâu rộng trong học sinh. Qua đó, các em có điều kiện đưa những kiến thức đã được học ứng dụng vào thực tế theo tinh thần "học đi đôi với hành" một cách hiệu quả.
Theo Đắk Nông Online