TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Ngày 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp mặt các thầy thuốc, chuyên gia y tế qua các thời kỳ, nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao đóng góp của các thầy thuốc, chuyên gia y tế đầu ngành trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Gửi lời chúc mừng tới các chuyên gia, cán bộ, thầy thuốc đã và đang công tác trong ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những năm gần đây ngành y tế đã có bước phát triển, tiến bộ trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân. Trong đó có sự đóng góp của các thầy thuốc, chuyên gia y tế đầu ngành, lão thành, những người không chỉ trí tuệ, kinh nghiệm mà luôn có một tấm lòng, tâm huyết với ngành y.
Tại buổi gặp mặt, các thầy thuốc, chuyên gia y tế chia sẻ những trăn trở về một số vấn đề lớn của ngành y tế từ y đức, nâng cao chất lượng bệnh viện đến đào tạo nhân lực cho ngành y; từ đầu tư cho y tế chuyên sâu đến tăng cường cho y tế cơ sở, hệ y tế dự phòng…
GS. Lê Ngọc Trọng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng thời gian qua y tế chuyên sâu đã phát triển mạnh, một số chuyên ngành ở Việt Nam đã ngang bằng trình độ của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, mạng lưới y tế cơ sở, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng người dân khi có bệnh thường lên thẳng tuyến trên, gây quá tải bệnh viện.
GS. Nguyễn Khánh Trạch cho rằng đầu tư cho y tế không chỉ là xây bệnh viện lớn, có nhiều máy móc hiện đại mà quan trọng nhất là sử dụng ra sao để nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh.
"Để y tế phát triển tốt thì phải tạo sự tin tưởng cho người dân bằng việc quản lý chặt chẽ, đánh giá trung thực, khách quan về chất lượng khám, chữa bệnh", GS Trạch góp ý.
GS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, Tổng hội đang phối hợp với Bộ Y tế tiến hành đánh giá độc lập chất lượng tại các bệnh viện.
Theo nhiều thầy thuốc, chuyên gia, ngành y tế cần đi sâu vào quản lý chất lượng khám, chữa bệnh và làm tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Chia sẻ những quan tâm, trăn trở của các thầy thuốc, chuyên gia y tế , Phó Thủ tướng đã trao đổi về những vấn đề trọng tâm của ngành y tế sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Theo Phó Thủ tướng, trong những năm gần đây ngành y tế đã có những chuẩn bị căn bản để có những bước tiến mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo căn cơ, vững chắc. Đơn cử là việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc từ nhiều năm nay để đào tạo y khoa tiếp cận với thế giới. Hay chủ trương đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện theo hướng tự chủ, đẩy mạnh hình thành hệ thống bệnh viện tư, kết hợp công-tư, phát triển mô hình bệnh viện phi lợi nhuận.
Đặc biệt là nhận thức, ý thức ngày càng rõ về việc phải phát triển cân đối giữa y tế điều trị và y tế dự phòng, giữa y tế chuyên sâu và y tế cơ sở. Bởi nếu xây thêm nhiều bệnh viện tuyến trên mà không chú trọng đúng mức cho tuyến dưới thì sẽ không giảm tải bền vững và có tình trạng người dân đến lúc có bệnh mới đi khám, không khám định kỳ, sàng lọc từ ban đầu.
Phó Thủ tướng cho biết thêm, một trong những công việc trọng tâm của ngành y tế trong năm 2017 là triển khai kế hoạch quản lý sức khỏe cho từng người dân gắn với mục tiêu phát triển BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việc khám định kỳ, phát hiện bệnh sớm và tư vấn sức khỏe cho người dân là đúng theo nguyên lý của y học. Đó là lấy dự phòng là quan trọng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đi từ cơ sở là giải pháp lâu dài để giảm tải bệnh viện, giảm chi phí y tế.
Bộ Y tế đã chuẩn bị cho kế hoạch này thông qua các đề án tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực, chống quá tải, quản lý chất lượng bệnh viện, công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau và tổ chức y tế cơ sở theo ngành dọc, đưa trạm y tế xã trực thuộc trung tâm y tế huyện…
Ngành bảo hiểm xã hội cũng đã có những giải pháp quyết liệt để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt khoảng 82% và phấn đấu đến năm 2020 đạt ít nhất 90% như chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, trên 12.000 cơ sở y tế cả nước chính thức kết nối toàn bộ việc giám định, thanh toán BHYT qua mạng từ tháng 7/2016, qua đó chống thất thoát, lạm dụng BHYT, dành thêm kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
"Hiện nay 10 người mua BHYT chỉ có khoảng 4 người sử dụng để khám, kiểm tra sức khỏe ở trạm y tế, vì vậy việc khám định kỳ, quản lý sức khỏe cá nhân sẽ giúp người dân nhận thức được những lợi ích từ BHYT. Còn cán bộ y tế cơ sở được làm việc nhiều hơn, vừa nâng cao trình độ chuyên môn, vừa cải thiện thu nhập", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "có nhiều bất cập, hạn chế của ngành y tế tồn tại không chỉ 1-2 năm nay. Để giải quyết những vấn đề này rất cần nhận thức sâu sắc và có sự thôi thúc trước hết trong mỗi cán bộ, bác sĩ, trong lãnh đạo từng bệnh viện và của ngành y tế. Đây là những việc quan trọng phải làm một cách căn bản, kiên trì với tầm nhìn chiến lược cùng quyết tâm, dũng cảm vượt qua chính mình của ngành y tế".
Theo Chinhphu.vn