TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 24/05/2018 | 09:03  | View count: 4012

Tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh vừa có Chỉ thị về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự tăng cường phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp; công tác đấu tranh, phòng ngừa chưa được kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên, vẫn còn một số vụ việc nổi cộm xảy ra tại địa bàn.

Do đó, để chủ động phòng ngừa, quyết liệt đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ĐP; Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thủ trưởng các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP và Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh: Chủ động phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; chú trọng đối với ngành, mặt hàng và địa bàn trọng điểm. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Bảo đảm hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền, truyền thông; gắn công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, công tác dân vận chính quyền với công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng.

Phải kiểm soát thực thi công vụ chặt chẽ, đúng quy định để ngăn ngừa, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu dung túng, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua địa bàn; trường hợp cán bộ thuộc quyền quản lý vi phạm, thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm liên đới theo đúng quy định; điều chuyển, kiến nghị điều chuyển, thay thế người đứng đầu các đơn vị trực thuộc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, kéo dài theo lĩnh vực hoặc trên địa bàn mình phụ trách.

Các cơ quan chức năng (Công an, Biên phòng, Hải quan, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, thanh tra chuyên ngành,…) theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, phát hiện sớm và xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND các huyện, thị xã theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao: thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong phạm vi quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các thiết chế pháp lý có liên quan, nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các cơ quan nhà nước tỉnh, huyện, xã thông tin kịp thời, đầy đủ, hiệu quả và chính xác trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm trên địa bàn tỉnh, hoàn thành trong tháng 6 năm 2018 để triển khai thực hiện trong Quý III, IV năm 2018.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ nêu trên; ngành nào, địa phương nào có hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng, bao che, dung túng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh và xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Thường trực Ban Chỉ đạo 389/ĐP, Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này theo lĩnh vực được phân công, kịp thời báo cáo nhanh, đột xuất trong các trường hợp vụ việc nghiêm trọng, nhạy cảm và định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm và UBND tỉnh. Kết quả thực hiện nhiệm vụ này được đưa vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cơ quan, đơn vị và người đứng đầu hàng năm.

H.N