TRA CỨU GIÁ ĐẤT

UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 31/03/2017 | 09:16  | View count: 4274

Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã từng bước đi vào nề nếp và đạt được những kết quả nhất định, góp phần cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mà chủ yếu xuất phát từ nhận thức, ý thức trách nhiệm, thái độ thực thi công vụ về quản lý, sử dụng đất đai của một số ngành, tổ chức và cá nhân còn nhiều yếu kém nên kết quả đạt được chưa cao vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Công văn số 1499/UBND-NN, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và các tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc một số nội dung như sau:

Tăng cường phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 02/8/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, đồng thời, phổ biến cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp biết để triển khai thực hiện. Định kỳ sáu tháng, một năm các cơ quan, đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường 

Rà soát toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực đất đai, từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh; đề xuất bãi bỏ các TTHC không phù hợp, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực quản lý đất đai (trong quý II/2017) để các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn cấp dưới thực hiện các nghiệp vụ quản lý và giải quyết các TTHC thuộc lĩnh vực đất đai, tạo sự thống nhất trong quản lý và cung cấp dịch vụ về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý và kiến nghị xử lý đối với các vấn đề phát sinh, tiêu cực trong quản lý và giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh.

Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ chuyên đề về tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Giao Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường

Thống nhất biện pháp tháo gỡ những bất cập, vướng mắc giữa hai ngành trong việc chuyển thông tin địa chính để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.

UBND các huyện, thị xã

Rà soát lại cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiện đang công tác trong lĩnh vực đất đai, từ cán bộ địa chính cấp xã trở lên, đánh giá phẩm chất, năng lực công tác và mức độ hoàn thành công việc của từng người, từng vị trí công việc. Kiểm điểm đối với những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có những biểu hiện tiêu cực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy nhà nước đối với những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền, hách dịch trong thực thi công vụ, đồng thời thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ địa chính theo quy định.

Củng cố bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại các đơn vị; đồng thời chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn củng cố bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở cấp xã. Hạn chế đến mức tối đa tình trạng hồ sơ đã nhận, nhưng không thể giải quyết được hoặc ghi sai thông tin về người sử dụng đất. Chấm dứt tình trạng hồ sơ các cơ quan chức năng đã giải quyết xong, nhưng chậm trả Giấy chứng nhận cho chủ sử dụng đất. Xã, phường, thị trấn nào để xảy ra sai phạm thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã.

Đánh giá nhu cầu thực hiện các TTHC về đất đai trên địa bàn trong thời gian qua để có phương án bố trí công chức tiếp nhận, trả kết quả thuộc lĩnh vực đất đai đủ về số lượng và đáp ứng chất lượng. Đồng thời, đánh giá cụ thể về năng lực chuyên môn, kỹ năng cần thiết của cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thuộc lĩnh vực đất đai để có phương án đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

Xây dựng và cụ thể hóa từng quy trình giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai, từ khâu tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả. Đồng thời theo dõi, xác định trách nhiệm, nội dung công việc của từng cá nhân, bộ phận tham gia trong quy trình giải quyết TTHC về đất đai tại cấp huyện, cấp xã.

Tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai; xác định trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong quá trình để xảy ra sai phạm và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường

Theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, ngành liên quan và địa phương thực hiện các nội dung nêu trên. Trường hợp đơn vị nào chậm thực hiện hoặc không thực hiện thì báo cáo đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định.

BBT