TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Ngày 03/5, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có buổi làm việc với tập thể Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông và các Sở, ngành liên quan nhằm rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông giai đoạn từ năm 2013 đến 2017. Buổi làm việc do các đồng chí: Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Cao Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Quang cảnh buổi làm việc |
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội nông dân tỉnh được thành lập theo Quyết định số 421/QĐ-UBND ngày 27/3/2008 của UBND tỉnh Đắk Nông. Với vai trò là đơn vị sự nghiệp của Hội Nông dân tỉnh, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã giúp Ban Thường vụ Hội tổ chức các lớp dạy nghề cho các đối tượng là hội viên nông dân trực tiếp làm nông nghiệp, dạy nghề gắn với hỗ trợ vốn, vật tư nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Xá - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kiêm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh báo cáo về tình hình hoạt động của Trung tâm từ năm 2013 - 2017 |
Từ năm 2013 đến năm 2017, Trung tâm đã tổ chức được 22 lớp với 581 học viên tham gia với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, với các ngành nghề đào tạo chủ yếu như: Kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y, tin học căn bản. Trong đó, có 13 lớp đào tạo trình độ sơ cấp với 391 học viên, 6 lớp đào tạo nghề ngắn hạn với 136 học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Ban Quản lý dự án 3EM tổ chức 2 lớp dẫn tinh nhân tạo bò cho 30 học viên; phối hợp với Trường cán bộ Hội nông dân Việt Nam mở 1 lớp trung cấp ngành Công tác xã hội chuyên ngành Công tác Hội Nông dân hệ vừa học vừa làm khóa VI (2017 -2019) cho 66 học viên là cán bộ Hội tham gia học tập; tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - Kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cấp hộ cho 6.88 cán bộ, hội viên nông dân tại 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh với kinh phí gần 730 triệu đồng. Nhìn chung, sau các khóa đào tạo, tập huấn các học viên đều nắm bắt được kỹ thuật đã truyền đạt, chuyển giao để áp dụng vào thực tiễn sản xuất và nâng cao được kỹ năng lao động. Đồng thời, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; tạo điều kiện và khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn nông dân đăng ký và triển khai thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) trong sản xuất... đã góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, Trung tâm còn tiến hành liên kết, ký kết các hợp đồng và tổ chức triển khai thực hiện nhiều hoạt động dịch vụ, hỗ trợ cho nông dân như: Hỗ trợ xây dựng các mô hình về trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên nông dân tại 08 huyện, thị nhằm giúp nông dân nghèo tiếp cận kịp thời nguồn vốn, khoa học kỹ thuật đầu tư vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con mới vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi trên một diện tích, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương; triển khai công tác dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp (phân bón, máy nông nghiệp, giống cây, con, thức ăn chăn nuôi...) theo phương thức trả chậm; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết (tổ, nhóm ) sản xuất kinh doanh, nắm bắt thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân...
Về việc xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, ngày 19/9/2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1475/QĐ-UBND về việc giao 15.600m2 đất, đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Hội nông dân tỉnh để sử dụng vào mục đích xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân. Sau đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có quyết định số 989-QĐ/HNDTW về việc phê duyệt dự án xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông. Đến nay, việc xây dựng Trung tâm đã cơ bản được hoàn tất và dự kiến sẽ được nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong tháng 6/2018. Tuy vậy, về trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động dịch vụ thì vẫn chưa đảm bảo. Theo lãnh đạo của Hội nông dân tỉnh, cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm hiện nay cũng chưa hoàn chỉnh, còn ít và thiếu, đơn vị chưa thành lập được các phòng chuyên môn để phụ trách các hoạt động chuyên môn trong công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, giảng viên còn chưa đảm bảo về số lượng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian qua đối với hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông và việc xây dựng Trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ nông dân của Hội. Cùng với mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa để Trung tâm tiếp tục được hoàn thiện và đi vào hoạt động có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có sự chỉ đạo thống nhất các nội dung liên quan đến hoạt động của các Trung tâm Giáo dục và Hỗ trợ nông dân; đồng thời, xem xét, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nhằm giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho thuận lợi cho các Trung tâm hoạt động và phát triển, nhất là đối với những địa phương có tỷ lệ dân số làm nông nghiệp cao như Đắk Nông.
Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam |
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội nông dân Việt Nam ghi nhận kết quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trong giai đoạn vừa qua; đồng thời, tiếp thu các ý kiến, đề xuất liên quan của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị, sở, ngành tại buổi làm việc. Trên cơ sở các ý kiến đã tiếp nhận, Ban chấp hành Trung ương hội sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông, cũng như các địa phương khác triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo đúng vai trò, chức năng quy định. Thời gian tới, Trung ương Hội cũng sẽ có ý kiến đề xuất với Chính phủ về việc tăng thêm nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân cho Hội Nông dân Việt Nam, để tiếp tục bổ sung cho Hội Nông dân các tỉnh; tạo điều kiện cho Hội Nông dân đẩy mạnh hoạt động, tuyên truyền, tập hợp nông dân, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân và xây dựng Hội vững mạnh.
Sam Nguyễn