TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Chủ tịch Quốc hội dự khánh thành ngôi trường 'mơ ước' của vùng cao Kỳ Sơn, Nghệ An
Ngày đăng 04/09/2022 | 09:16  | View count: 5581

Sáng nay, 3/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới dự Lễ khánh thành, bàn giao công trình Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An và khai giảng năm học mới 2022-2023. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chăm lo, giáo dục thật tốt cho các em là nền tảng căn bản nhất, là chìa khóa để hướng tới tương lai, giải phóng con người khỏi nghèo nàn, lạc hậu, để có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Chủ tịch Quốc hội đánh trống tại Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An

Cách TP. Vinh hơn 250 km, Kỳ Sơn là huyện biên giới, vùng cao, dân tộc thiểu số, thuộc 1/74 huyện đặc biệt khó khăn nhất của cả nước. Trường THPT Kỳ Sơn được thành lập năm 1967 là trường THPT duy nhất của huyện Kỳ Sơn với hơn 95% là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến từ 21 xã, thị trấn trong huyện. 

Quãng đường đến trường của các em phải băng rừng, lội suối rất nguy hiểm, nhất là về mùa mưa khi mà bão lụt, sạt lở đất thường xuyên xảy ra. Trước khi xây trường mới, cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp trầm trọng, không có nhà nội trú cho học sinh và giáo viên, hầu hết học sinh phải tự lo về nơi ăn, chốn nghỉ, cuộc sống để tham gia học tập.

Trường THPT Kỳ Sơn được xây dựng mới với thiết kế hiện đại, khoa học, đạt tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng cho 2.000 học sinh với tổng cộng 245 phòng trong đó: 45 phòng học, 25 phòng chức năng, 126 phòng nội trú cho học sinh và 45 phòng nội trú cho giáo viên. Ngôi trường được Tập đoàn Trung Nam tài trợ đầu tư 210 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, đồng thời khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng giáo dục và đào tạo, xem đây là quốc sách hàng đầu; luôn dành những điều tốt đẹp nhất để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm tất cả các em học sinh, dù ở đồng bằng hay ở miền núi, biên giới, hải đảo, ai cũng được học hành, tiếp cận giáo dục công bằng, bình đẳng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định: "Phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng trong giáo dục, để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số càng cần được chăm lo, hỗ trợ để giảm bớt khó khăn, từng bước phát triển kịp với miền xuôi là quan điểm chỉ đạo lớn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quốc hội đã tập trung thể chế hóa các quan điểm của Đảng, hoàn thiện và ban hành nhiều chính sách, pháp luật để phát triển giáo dục, đặc biệt là Nghị quyết 88 về đổi với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chăm lo, giáo dục thật tốt cho các em là nền tảng căn bản nhất, là chìa khóa để hướng tới tương lai, giải phóng con người khỏi nghèo nàn, lạc hậu, để có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc".

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn các thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hết mực yêu thương, dạy dỗ tận tình; không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng, động lực để các em say mê học tập, khám phá chân trời mới của tri thức và khoa học.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng các em học sinh sẽ phát huy truyền thống hiếu học, học giỏi của người dân xứ Nghệ, nỗ lực phấn đấu, học tập chăm chỉ, trung thực, quyết tâm cao; học trước hết cho chính mình, để biết, để làm, để chung sống, để tự khẳng định; học để chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất để ngày mai lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường trong trường học, để mỗi nhà trường không chỉ có môi trường sư phạm mẫu mực, thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp mà còn là nơi tinh hoa, truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương, của dân tộc được nuôi dưỡng, bồi đắp, phát triển trong tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ, nhận thức của mỗi em học sinh, của cả nhà trường.

Trường THPT Kỳ Sơn phải là mô hình điểm của tỉnh trong xây dựng văn hóa học đường gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm mô hình trường THPT dân tộc bán trú kiểu mới gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa học đường mang nét đặc sắc của vùng cao Kỳ Sơn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức giám sát về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong năm 2023 để kịp thời rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bảo đảm các mục tiêu của Đảng và Quốc hội đề ra được thực hiện đầy đủ, chất lượng.

Nhấn mạnh rằng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 88 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ngành giáo dục cần sớm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổng kết mô hình trường bán trú, nội trú; rà soát, đánh giá hệ thống chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc trong cả nước; kịp thời đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển các trường bán trú, huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn cho các em học sinh dân tộc thiểu số./.

Theo bao Chính phủ