TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Trong khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh đậu mùa khỉ lại đang là mối quan tâm của y tế toàn cầu. Bên cạnh đó, tiến bộ trong giải quyết tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan; nước Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo sau vụ xả súng đẫm máu ở trường học; OPEC+ sẵn sàng tăng sản lượng;… là một số sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua (23-29/5).
Đại hội đồng Y tế Thế giới - Sức khoẻ vì hoà bình, hoà bình vì sức khoẻ
Ngày 22/5, kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 đã khai mạc trọng thể tại Geneva (Thuỵ Sĩ), tập trung vào các vấn đề lớn, trong đó có ứng phó với đại dịch COVID-19 và sáng kiến sức khoẻ toàn cầu vì hoà bình. Dịch COVID-19 vẫn là một trong những ưu tiên trong kỳ họp lần này. Chủ đề của Hội nghị năm nay là "Sức khoẻ vì hoà bình, hoà bình vì sức khoẻ".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trước Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 22/5/2022. (Ảnh: Chinadaily.com) |
Theo người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, dù nhiều nước trên thế giới đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế và đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước thời điểm xuất hiện đại dịch, thì các số liệu báo cáo vẫn cho thấy sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 ở khoảng 70 nước thuộc tất cả các khu vực trên thế giới.
Bên cạnh việc thừa nhận sự tiến bộ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh khi 60% dân số thế giới đã được tiêm chủng, ông Ghebreyesus cũng nhân dịp này nhắc lại một thực tế rằng, có đến gần một tỷ người ở các quốc gia có thu nhập thấp vẫn chưa được tiêm chủng. Người đứng đầu WHO khẳng định, đại dịch COVID-19 sẽ không biến mất một cách kỳ diệu, ông kêu gọi các nước hợp tác để đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho 70% dân số.
Hội nghị WHA lần thứ 75 kéo dài 1 tuần, với số lượng chủ đề được thảo luận và giải pháp được thông qua nhiều nhất từ trước tới nay. Hội nghị cũng bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới của WHO cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Kết quả cho thấy, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tái đắc cử cương vị Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với kết quả 155/160 phiếu ủng hộ. Nhiệm kỳ mới của ông Tedros chính thức bắt đầu từ ngày 16/8. Tổng giám đốc WHO chỉ được phép tái đắc cử một lần theo quy định của Đại hội đồng Y tế Thế giới.
Cần hành động sớm để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây lan
Cùng với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ đang là mối quan tâm của y tế toàn cầu. Thống kê cho thấy thế giới đã ghi nhận hơn 300 ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi mắc. Hầu hết các ca bệnh hiện nay là ở châu Âu, chứ không phải ở khu vực Tây và Trung Phi - nơi đậu mùa khỉ được xem là bệnh đặc hữu.
Thế giới đã ghi nhận hơn 300 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (Ảnh minh họa: India.com) |
Hiện thế giới chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ. Thế nhưng, giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc các ca mắc gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh.
Đậu mùa khỉ lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh này vẫn có thể gây tử vong.
Ngày 27/5, WHO cho rằng có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ nhờ việc phát hiện, cách ly và truy vết nhanh chóng. Những người mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh được khuyến nghị cách ly trong vòng 21 ngày.
Giới chuyên gia cho rằng các chính phủ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không nên lặp lại những sai lầm ban đầu trong đại dịch COVID-19, vốn làm trì hoãn việc phát hiện bệnh, khiến virus lây lan. Theo các nhà khoa học, dù bệnh đậu mùa khỉ khó có khả năng lây lan hoặc nguy hiểm như dịch COVID-19, song cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách thức cách ly đối với mỗi ca bệnh đậu mùa khỉ, cũng như có thêm khuyến nghị về cách thức bảo vệ những người có nguy cơ, cũng như cải thiện khâu xét nghiệm và truy vết.
Hiện WHO đang cân nhắc liệu việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.
Tiến bộ trong giải quyết tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan
Ngày 23/5, Armenia và Azerbaijan đồng loạt thông báo đã thành lập Ủy ban phân định biên giới, trong một bước đi được đánh giá là "tiềm năng" giúp chấm dứt tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ ở khu vực Nagorny-Karabakh giữa hai nước láng giềng vùng Capcaz. Dư luận thế giới nhận định, dù đây chỉ là một bước đi "nhỏ", song đã cho thấy hành động cụ thể của hai nước láng giềng để giải quyết tranh chấp.
Cuộc xung đột kéo dài 6 tuần giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorny - Karabakh hồi năm 2020 đã khiến 6.500 người thiệt mạng. (Ảnh: AP) |
Cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh đã kéo dài nhiều thập kỷ. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Giai đoạn 1991-1994, đối đầu giữa hai nước láng giềng đã leo thang thành hành động quân sự trên diện rộng, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorno-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên xung đột vẫn nhiều lần tái diễn.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao để hóa giải tranh chấp song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Năm 2020, xung đột âm ỉ giữa hai nước láng giềng vùng Capcaz đã bị thổi bùng thành một cuộc chiến kéo dài trong 6 tuần và cướp đi sinh mạng của 6.500 người. Tháng 11 cùng năm, xung đột chính thức chấm dứt sau khi một thỏa thuận hòa bình được thông qua, chứng kiến việc Armenia từ bỏ quyền kiểm soát khu vực tranh chấp cùng với sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorny-Karabakh. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình mới chỉ là yếu tố khiến tình hình Nagorno-Karabakh tạm yên, trong khi nguy cơ xung đột vẫn chưa được loại bỏ triệt để.
Nước Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo sau vụ xả súng đẫm máu ở trường học
Vụ xả súng xảy ra ngày 24/5, tại Trường tiểu học Robb ở thành phố Uvalde, nằm ở giữa thành phố San Antonio (lớn thứ hai của bang Texas) và biên giới Mexico. Nạn nhân là 2 người lớn và 19 học sinh từ lớp 2 đến lớp 4.
Cảnh sát đứng bên ngoài Trường tiểu học Robb, bang Texas sau khi vụ xả súng xảy ra ngày 24/5 - Ảnh: AP |
Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho biết nghi phạm là một thanh niên 18 tuổi tên là Salvador Romas. Ông cho biết nghi phạm được cho là đã bắn bà của mình bằng một khẩu súng ngắn tại nhà riêng trước khi tới trường tiểu học. Ngoài ra, người này có thể cũng mang theo một khẩu súng trường.
Ông Greg Abbott cho biết thêm, kẻ xả súng là người địa phương và là công dân Mỹ. Người này đã bị cảnh sát bắn chết tại hiện trường sau vụ tấn công. Thống đốc khẳng định đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của bang tiến hành điều tra tội ác này.
Cảnh sát trưởng thành phố Uvalde Pete Arredondo công bố kết quả điều tra sơ bộ cho thấy kẻ xả súng hành động đơn độc, không có bất kỳ sự trợ giúp nào khác. Động cơ xả súng vẫn chưa được xác định.
Trước vụ việc trên, ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội nước này thông qua luật kiểm soát súng đạn sau vụ xả súng kinh hoàng xảy ra tại Trường tiểu học.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ xả súng có chủ đích tại nước này trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó. Báo cáo của FBI cho thấy, các vụ xả súng có chủ đích tại nước này năm vừa qua là 61 vụ, cướp đi sinh mạng của 103 người và khiến 140 người bị thương, không tính đối tượng nổ súng.
OPEC+ sẵn sàng tăng sản lượng
Ngày 23/5, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Abdulaziz bin Salman cho biết, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẵn sàng tăng sản lượng nếu "thị trường có nhu cầu".
Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Abdulaziz bin Salman. (Ảnh: saudigazette.com.sa) |
Công suất lọc dầu của thế giới đã giảm khoảng 4 triệu thùng, trong đó có 2,7 triệu thùng giảm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, OPEC+ cần tiến hành các "điều chỉnh có trật tự" trong tương lai, trong bối cảnh chuỗi cung ứng và tăng trưởng toàn cầu đối mặt với triển vọng không chắc chắn trong khi Trung Quốc vẫn đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Abdulaziz cho rằng, một liên minh sẽ là cần thiết để thực hiện bất kỳ "sự điều chỉnh có trật tự" nào trong tương lai trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đang gây ra những bất ổn đối với tăng trưởng toàn cầu cũng như sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Abdulaziz, Chính phủ các nước cần khuyến khích ngành công nghiệp đầu tư vào hydrocacbon ngay cả khi các quốc gia chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn để giảm bớt sự tắc nghẽn trong hoạt động sản xuất cũng như năng lực của các nhà máy lọc dầu.
Hạn ngạch sản xuất của OPEC+ được áp dụng từ tháng 4/2020, sẽ hết hạn sau 3 tháng nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho rằng hiện còn quá sớm để đề cập đến một thỏa thuận mới. Ông nhấn mạnh OPEC+ có thể sẽ tăng sản lượng nếu "các thị trường có nhu cầu".
Kể từ tháng 7/2021, OPEC+ đã quyết định từ từ tăng sản lượng dầu sau khi cắt giảm khoảng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2020 để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau cú sốc của đại dịch COVID-19./.
Theo dangcongsan.vn