TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Bổ sung quy định chuyển đổi số vào dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT)
Ngày đăng 10/05/2022 | 08:50  | View count: 4552

Một số nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT.

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 23/5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ (SHTT). Liên quan đến những điểm mới được sửa đổi, bổ sung lần này, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT đã có cuộc trao đổi với phóng viên.

Phóng viên (PV): Báo cáo tổng kết thi hành Luật SHTT cho thấy các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT ngày càng phức tạp, nhất là các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu… trên môi trường Internet. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã đề ra hướng khắc phục như thế nào?

Ông Đinh Hữu Phí: Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động xâm phạm quyền SHTT trên môi trường trực tuyến rất đa dạng và phức tạp. Mặc dù là lĩnh vực mới mẻ nhưng các cơ quan thực thi quyền SHTT cũng đã tiến hành xử lý các hành vi xâm phạm quyền trên môi trường trực tuyến, xử lý chủ yếu đối với các chủ trang thông tin điện tử có đăng tải các thông tin có chứa các nội dung xâm phạm quyền hoặc các chủ thể đăng ký, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ; đã phối hợp với Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền.

Ảnh minh họa. Nguồn: M.H 

Một trong những chính sách quan trọng được đặt ra trong lần sửa Luật này là nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT. Theo đó, các quy định liên quan sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hợp lý và khả thi hơn.

Đặc biệt, với việc vừa chính thức gia nhập hai Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet; Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm, các quy định tương ứng với nghĩa vụ theo hai hiệp ước này cũng đã được bổ sung vào dự thảo Luật.

Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, các quy định về bảo vệ quyền trong môi trường số như quy định về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông ...

Ngoài ra, một số quy định liên quan đến hàng hóa giả mạo về sở SHTT, nghĩa vụ chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng xuất, nhập khẩu của cơ quan hải quan cũng được đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT một cách hiệu quả hơn.

PVNhiều ý kiến cho rằng nội dung chuyển đổi số cần được quy định trong Luật. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Đinh Hữu Phí: Hiện nay, việc thực hiện chuyển đổi số tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước được xem là xu thế bắt buộc bởi chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho mọi mặt từ hoạt động sản xuất kinh doanh đến điều hành quản lý, nghiên cứu…Nhận thức được vai trò quan trọng của chuyển đổi số, Cục SHTT những năm qua đã tích cực thực hiện chuyển đổi sổ ở một số khía cạnh như:

Về "đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp trực tuyến", hiện nay Luật SHTT đã quy định cho phép việc nộp đơn sở hữu công nghiệp (SHCN)  trực tuyến. Trên thực tế, Cục SHTT đã duy trì ổn định hệ thống nộp đơn điện tử đăng ký sở hữu công nghiệp ở cấp độ 3 và đang triển khai hệ thống nộp đơn điện tử ở cấp độ 4.

Về "tra cứu khả năng bảo hộ trực tuyến và tra cứu cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu hàng hóa hoặc kiểu dáng công nghiệp trực tuyến", cơ sở dữ liệu về SHCN đều đã được công khai trực tuyến trên mạng Internet . Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tổ chức SHTT thế giới, từ năm 2019 Cục đã triển khai bổ sung thêm công cụ tra cứu trực tuyến Wipopublish với nhiều tính năng ưu việt và đồng bộ với thế giới khi hệ thống này được Tổ chức SHTT hỗ trợ triển khai tại nhiều quốc gia. Dựa trên kết quả tra cứu, cá nhân, tổ chức có thể đánh giá khả năng bảo hộ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hoặc sáng chế mà mình có nhu cầu đăng ký bảo hộ.

Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan cũng đã được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật. Ví dụ như sửa đổi, bổ sung các quy định về các quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng liên quan đến môi trường số; quy định đối với biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền, phát sóng và truyền đạt tới công chúng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình…

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT . Ảnh: An Hà

PV: Theo ông trong bối cảnh mới Việt Nam ký kết, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP..), việc sửa đổi Luật SHTT lần này sẽ tập trung nội dung gì để bảo hộ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam khi các Hiệp định này được triển khai?

Ông Đinh Hữu Phí: Quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội nói chung luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của Luật SHTT sửa  đổi lần này, từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền SHTT.

Một trong ba mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật SHTT lần này là nhằm thi hành các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia gần đây. Các đề xuất để bảo đảm thi hành cam kết quốc tế được xây dựng trên cơ tận dụng tối đa các linh hoạt mà các điều ước cho phép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam – với vị thế là các chủ thể khai thác công nghệ của thế giới là chủ yếu. Hay nói cách khác, các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT được xây dựng với quan điểm thi hành cam kết quốc tế ở mức độ phù hợp nhất với trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo đảm cho doanh nghiệp có đủ thời gian bắt kịp với những thay đổi của quá trình hội nhập.

Bên cạnh đó, các quy định trong chính sách về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền nhằm cải thiện các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ  theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, minh bạch, giúp các doanh nghiệp có thể xác lập quyền SHTT của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn, hay các quy định trong chính sách về tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT hoặc chính sách về nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT cũng giúp cho việc thực thi quyền SHTT nghiêm minh hơn, hiệu quả hơn, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.

PV: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề thực thi quyền SHTT ở Việt Nam trong những năm vừa qua; nhất là khi Việt Nam tham gia, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới?

Ông Đinh Hữu Phí: Theo quy định của Luật SHTT, các biện pháp bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam bao gồm dân sự, hành chính và hình sự, tuy nhiên trên thực tế, biện pháp hành chính đóng vai trò chủ đạo, các biện pháp dân sự và hình sự ít được áp dụng.

Để công tác bảo vệ quyền SHTT được thực hiện một cách có hiệu quả, Chương trình phối hợp phòng chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn III (2019-2023) đã được 9 bộ ngành (trong đó có các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông v.v.) ký kết ngày 13/3/2019 và bắt đầu được triển khai với mục tiêu phối hợp một cách toàn diện, thường xuyên và kịp thời nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT, xây dựng cơ chế thực thi quyền SHTT hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Ở địa phương, thanh tra các Sở như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh, thành phố và xử lý. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến SHTT, nhất là sản xuất, kinh doanh hàng giả, trong đó có giả mạo SHTT đã bị phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT lần này cũng bổ sung liên quan đến thực thi quyền như: biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số, bổ sung thẩm quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan của cơ quan hải quan trong việc kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu nghi ngờ là hàng giả mạo SHTT…

PVTrân trọng cảm ơn ông!

Theo dangcongsan.vn