TRA CỨU GIÁ ĐẤT

Theo chuyên gia WHO, giờ chưa phải là lúc lơ là trước đại dịch COVID-19
Ngày đăng 14/04/2022 | 08:06  | View count: 2936

Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Didier Houssin cảnh báo, hiện nay chưa phải là lúc lơ là trước đại dịch COVID-19, hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, hay sao lãng các biện pháp y tế công cộng, đồng thời không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng.
 

Ngày 13/4, phát biểu tại họp báo sau khi Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận rằng đại dịch vẫn gây ra tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC), ông Didier Houssin - Chủ tịch Ủy ban này khẳng định: "Hiện nay không phải là lúc hạ thấp mức độ cảnh giác của chúng ta, trái lại, đây là lời khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 còn lâu mới chấm dứt, mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2 vẫn còn rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và virus SARS-CoV-2 đang tiến hóa một cách không thể dự đoán được".

Theo ông Didier Houssin, hiện nay không phải là lúc lơ là trước loại virus này, hoặc buông lỏng công tác giám sát, xét nghiệm và thông báo, hay sao lãng các biện pháp y tế công cộng, đồng thời không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng.

 Cuba đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho gần 90% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên (Ảnh: Prensa Latina)

Trong khi đó, trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 14/4 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 944.652 ca nhiễm, 2.421 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 501.814.521 ca, trong đó 6.212.895 ca tử vong và  451.908.880 ca đã được chữa khỏi.

Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (185.440.804 ca), tiếp theo là châu Á (144.593.379 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (97.195.390 ca) và Nam Mỹ (56.482.756 ca). Châu Phi (11.815.873 ca) và châu Đại Dương (6.285.598 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc thông báo quyết định dỡ bỏ khuyến cáo đặc biệt áp dụng với tất cả hoạt động đi lại với nước ngoài để phòng chống dịch COVID-19. Khuyến cáo đặc biệt trên được áp dụng từ tháng 3/2020 và được gia hạn hằng tháng. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết khuyến cáo này sẽ được dỡ bỏ từ ngày 14/4, sau khi cân nhắc chiến lược mới về kiểm soát dịch bệnh trong nước và tình hình dịch bệnh ở nước ngoài. Tuy nhiên, Hàn Quốc dự kiến vẫn duy trì khuyến cáo đặc biệt về đi lại đối với Trung Quốc và Nga và hơn 20 quốc gia khác, cũng như duy trì hệ thống cảnh báo đi lại gồm 4 mức đối với một số khu vực khác.

Tại châu Âu, Hy Lạp thông báo các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và các chứng nhận liên quan COVID-19 sẽ được dỡ bỏ trong mùa du lịch Hè năm nay và nhà chức trách sẽ cân nhắc tái áp đặt các biện pháp này vào tháng 9 tới. Theo đó, từ ngày 1/5 đến 31/8 tới, người dân sẽ không còn phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine hay chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 khi vào các không gian trong nhà hay ngoài trời như nhà hàng, đồng thời nhà chức trách cũng đang xem xét dỡ bỏ yêu cầu trình chứng nhận điện tử về COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) khi nhập cảnh nước này. Ngoài ra, đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà cũng không còn là bắt buộc kể từ ngày 1/6 và sinh viên sẽ quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Lễ Phục sinh mà không cần định kỳ trình kết quả tự xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Tại châu Mỹ Latinh, các chuyên gia Cuba đánh giá nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em, nước này đã bảo vệ thành công từ 50.000 đến 70.000 trẻ nhỏ khỏi virus trong những tháng gần đây. Các chuyên gia y tế dẫn số liệu cho hay từ tuần thứ 38 của năm 2021, đảo quốc Caribe này không ghi nhận bất cứ trường hợp trẻ em nào tử vong do COVID-19. Hơn 28.000 trẻ em Cuba đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus kể từ đầu năm đến nay, tuy nhiên số trường hợp nghiêm trọng hoặc nguy kịch chưa tới 1%.

Cuba đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho gần 90% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, với các loại vaccine nội địa Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, đồng thời triển khai tiêm liều thứ tư cho hơn 6,4 triệu người trên tổng số 11,2 triệu dân. Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, với tỷ lệ hơn 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay./.

 
Theo dangcongsan.vn