TRA CỨU GIÁ ĐẤT
Trong Chương trình thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Sở NN- PTNT đặt ra mục tiêu trọng tâm là cải tiến lề lối làm việc theo hướng bám sát cơ sở trong các hoạt động chuyên môn, từ đó nâng cao hiệu quả công việc, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển.
Theo Sở NN-PTNT, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động ngành Nông nghiệp tỉnh cần khắc phục triệt để tình trạng xa cơ sở. Điều này sẽ giúp ngành Nông nghiệp nắm bắt được thực tiễn hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Theo bà Lầu Kiều Vân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (Gia Nghĩa), công ty rất muốn có sự đồng hành của cán bộ ngành Nông nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, công ty cần có sự hỗ trợ trong xây dựng, liên kết với nông dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp để phát triển vùng nguyên liệu trái cây như sầu riêng, chanh dây đạt chất lượng phục vụ xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh, ngành Nông nghiệp kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh |
Vấn đề này đã được công ty phản ánh, đề xuất nhiều lần với tỉnh, ngành Nông nghiệp, nhưng vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Chính vì vậy, công ty vẫn thiếu các nguồn lực để xây dựng nguồn nguyên liệu.
Cũng theo bà Vân, ngành Nông nghiệp cần quan tâm nhiều hơn việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sản xuất đúng quy hoạch, đúng kỹ thuật. Để làm được điều này, ngành Nông nghiệp phải gần thực tiễn hơn, bám sát cơ sở nhiều hơn.
Theo ông Điểu Thùy, bon Jăng Plây, xã Trường Xuân (Đắk Song), việc sản xuất nông nghiệp của gia đình chưa mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Ông cũng ít được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật về nông nghiệp hiệu quả.
Do đó, ông cũng như nhiều nông dân khác rất cần sự quan tâm của ngành Nông nghiệp trong việc bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật sản xuất. Người dân cũng rất cần được ngành chức năng định hướng sản xuất tốt hơn.
Thu nhập trên 1 ha đất canh tác của Đắk Nông còn thấp so với mục tiêu đề ra |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, những hạn chế lớn của ngành Nông nghiệp có thể kể đến như: sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chất lượng sản phẩm chưa cao, giá trị 1 ha đất canh tác còn thấp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành hiệu quả chưa cao...
Để khắc phục được điều này, đội ngũ làm công tác nông nghiệp cần sự chủ động, quyết tâm, sáng tạo cao hơn. Việc bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, tâm tư của nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp sẽ có tác dụng lớn trong công tác tham mưu các văn bản, các cơ chế chính sách liên quan.
Ngành Nông nghiệp muốn tạo bước đột phá thì phải phát huy được vai trò, trình độ, sự tận tụy, tâm huyết, lòng tự hào với nghề của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động của mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nêu: "Phải đặt câu hỏi, tại sao cán bộ ngành Nông nghiệp nhiều nhưng chưa mạnh, từ đó thay đổi tư duy, phương pháp vận hành, điều hành bộ máy, các mặt công tác, nhiệm vụ".
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, muốn chuyển biến, phát triển ngành Nông nghiệp trước hết phải xuất phát từ những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành.
Theo Báo Đắk Nông Điện tử