THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Dân vận khéo, góp phần gắn kết tình quân dân
Ngày đăng 05/11/2020 | 14:54  | View count: 45514

Với việc lãnh đạo, tổ chức hiệu quả phong trào thi đua Dân vận khéo và xây dựng "Đơn vị dân vận tốt", lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã tăng cường gắn kết tình quân dân, củng cố niềm tin, sự đồng thuận của người dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội.

Chỉ đạo chặt chẽ, phù hợp

Thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" và xây dựng "Đơn vị dân vận tốt" là một trong những nội dung trọng tâm cần phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh chỉ đạo toàn lực lượng xây dựng nội dung, đăng ký mô hình, chỉ tiêu thực hiện phong trào sát với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ, thông qua những chương trình hoạt động phù hợp.

Ban CHQS huyện Tuy Đức tặng xe đạp cho học sinh nghèo ở xã Đắk R'tíh (Tuy Đức)

Các đơn vị tổ chức quán triệt, giáo dục tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ, công tác dân vận, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát, bám nắm cơ sở, kịp thời phản ánh và tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân.

Theo Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể nơi đóng quân tổ chức thực hiện phong trào thi đua một cách tích cực, toàn diện. Các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào "Quân đội chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau" giúp người dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Ban CHQS huyện Đắk Mil tặng cây giống, hỗ trợ người nghèo xã Đắk N'Drót (Đắk Mil)

Giai đoạn 2016-2020, toàn lực lượng đã tổ chức 9 đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận ở 24 xã với hơn 8.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia khoảng 41.000 ngày công lao động, giúp địa phương, người dân. Các đơn vị tham gia hỗ trợ xóa 21 hộ đói, giảm 23 hộ nghèo; tặng 4 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, hộ nghèo và 35 thẻ bảo hiểm y tế; khám bệnh cấp thuốc cho hơn 2.000 lượt người, với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng…

Nhiều mô hình thiết thực

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình "Dân vận khéo" mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm sâu sắc hơn nhận thức, tình cảm của đồng bào các dân tộc về hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" và vai trò công tác dân vận của Đảng.

Quân y Bộ CHQS tỉnh khám, chữa bệnh cho người nghèo xã Đắk Ngo (Tuy Đức)

Điển hình như mô hình "Phối hợp vận động xã hội hóa xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách, đồng bào nghèo", được xem là một trong những mô hình, cách làm hay, hiệu quả được Bộ CHQS tỉnh, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp triển khai thực hiện và nhân rộng trong toàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả mô hình, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, triển khai công tác khảo sát, lập hồ sơ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, với những tiêu chí cụ thể. Cùng với quy trình điều tra, xét duyệt chặt chẽ, các đơn vị huy động cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia giúp đỡ, hỗ trợ ngày công để đẩy nhanh tiến độ.

Trên tinh thần đó, giai đoạn 2016-2020, Bộ CHQS tỉnh phối hợp rà soát, lập được trên 100 hồ sơ và đến nay đã kêu gọi, vận động xã hội hóa xây dựng được 59 "Nhà tình nghĩa", "Nhà đồng đội", "Nhà đại đoàn kết", "Nhà tình thương"... với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng.

Cán bộ Đại đội 3 (Ban CHQS huyện Tuy Đức) động viên, thăm hỏi học sinh khó khăn trên địa bàn đóng quân

Thượng tá Đặng Văn Tiến, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: "Việc trao nhà tình nghĩa đã mang lại niềm vui, hạnh phúc, an cư cho nhiều gia đình, có thêm động lực vươn lên để thoát nghèo. Những ngôi nhà còn minh chứng cho truyền thống tốt đẹp "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam đã và đang được các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy".

Từ tháng 8/2016, mô hình "Cặp lá yêu thương" của Đại đội 3 (Ban CHQS huyện Tuy Đức) đã hỗ trợ cho 2 em Lưu Xuân Thắng, lớp 6 và em Đinh Thị Nga, lớp 6, học sinh nghèo vượt khó Trường THCS Bu Prăng, xã Quảng Trực (Tuy Đức) với mức hỗ trợ tháng đầu tiên của năm học, mỗi em 1 triệu đồng, những tháng còn lại của năm học, mỗi em 300.000 đồng/tháng đến khi tốt nghiệp THCS. Hiệu quả từ mô hình năm 2018, Đoàn cơ sở Ban CHQS huyện Tuy Đức nhân rộng, với việc hỗ trợ thêm 2 em học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Đắk R'tíh, Đắk Ngo (Tuy Đức).

Thượng tá Nguyễn Tiến An, Chính trị viên Ban CHQS huyện Tuy Đức khẳng định: "Từ cách làm của mô hình "Cặp lá yêu thương", cùng sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương đã mang đến cơ hội cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn viết tiếp ước mơ cắp sách tới trường. Mô hình mang lại hiệu quả tốt, tạo hiệu ứng xã hội, có sức lan tỏa, góp phần đẩy mạnh Phong trào thi đua "Dân vận khéo", xây dựng "Đơn vị dân vận tốt", thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa phương".

Theo báo Đắk Nông Online