THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 5
Ngày đăng 02/05/2020 | 11:26  | View count: 4889

Nếu có tiền bảo lãnh sẽ không bị tạm giữ xe vi phạm giao thông;Thêm đối tượng có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án; Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng; Chính thức cấp bản sao điện tử… là một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5.

Nếu có tiền bảo lãnh sẽ không bị tạm giữ xe vi phạm giao thông

Nghị định 31/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ có hiệu lực từ ngày 1/5.

Nghị định quy định tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được giao giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan, của người có thẩm quyền tạm giữ nếu cá nhân, tổ chức vi phạm có một trong hai điều kiện:

Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Tổ chức, cá nhân vi phạm phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện;

Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Theo đó, để được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện đối với tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện.

Ảnh minh hoạ. 

Thêm đối tượng có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án

Cùng có hiệu lực ngày 1/5, Nghị định 33/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự.

Cụ thể, Nghị định này quy định cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án (trước đây chỉ cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án).

Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS). Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.

Theo Quyết định này, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.

Chính thức cấp bản sao điện tử

Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 22/5. Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định là việc người dân được yêu cầu cơ quan chức năng cấp bản sao điện tử từ sổ gốc, bản chính các giấy tờ pháp lý thay cho bản sao bằng giấy như hiện nay. Theo đó, bản sao điện tử được cấp theo hai cách sau:

Cách 1: Tổ chức, cá nhân yêu cầu cấp bản sao điện tử từ sổ gốc. Trong trường hợp này, cơ quan đang quản lý sổ gốc căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.

Bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch.

Cách 2: Tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Với trường hợp chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, thủ tục được thực hiện như sau:

Tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao; Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực./.

Theo dangcongsan.vn