THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Sáng 6/11, bước vào phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của các đại biểu. Các nhóm vấn đề được các đại biểu chất vấn chủ yếu là chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm và chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực…
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường |
* Tập trung khâu chế biến, tìm kiếm thị trường cho nông sản
Về chủ đề này, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Đại biểu Ngô Thanh Danh nhấn mạnh: Những năm gần đây, Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng đều rơi vào tình trạng nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực giảm giá sâu, gây khó khăn cho nông dân. Điển hình như giá hồ tiêu hiện chỉ trên dưới 40.000đ/1kg. Cà phê thì gần 10 năm trở lại đây giá rất thấp, chỉ trên dưới 30.000đ/1kg, khiến người trồng hồ tiêu, cà phê gặp khó khăn. Trong khi đó, Campuchia, nước sản xuất hồ tiêu sau Việt Nam nhưng hiện giá sản phẩm này của nước bạn vẫn duy trì trên dưới 100.000đ/1kg. Vậy Bộ Nông nghiệp đã và sẽ có giải pháp gì nhằm khắc phục tình trạng trên?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ những khó khăn của nông dân cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng. Trước đây, tổ chức sản xuất là yếu tố số một thì hiện nay, tổ chức chế biến, tiêu thụ mới là số một trong chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Do đó, các tỉnh cần có tư duy quản lý tốt hơn như làm tốt quản lý quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các dự án thu mua, chế biến nông sản sâu để gia tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm. Riêng về cây hồ tiêu, cà phê thì sản lượng cung đã vượt cầu do tăng mạnh diện tích, nhiều nơi vượt xa quy hoạch. Vì thế, các địa phương phải duy trì diện tích những cây trồng này ở mức hợp lý, với những vùng phù hợp. Tập trung nâng cao chất lượng. Các địa phương phải tập trung vào khâu chế biến sâu, tìm kiếm thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm. "Đối với Đắk Nông, sắp tới Bộ sẽ giới thiệu một số doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Hiện Bộ đã giới thiệu một doanh nghiệp chế biến hồ tiêu với dự án 10 chuỗi sản phẩm từ tiêu" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến xây dựng nông thôn mới, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông Võ Đình Tín hỏi: sự chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn thể hiện rõ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Điều này cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, với đặc điểm vùng, miền. Vậy Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: kết quả chung về xây dựng nông thôn mới thì tích cực, vượt cả về số xã theo mục tiêu đến năm 2020 nhưng mà vùng, miền thì rất mất cân đối. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia này, chúng ta chia làm 2 giai đoạn từ 2011-2015 và 2016-2020. Xen giữa hai giai đoạn này thì đã có giám sát tối cao của Quốc hội bằng việc ban hành Nghị quyết số 32 về yêu cầu tập trung xử lý 10 nội dung căn cốt còn tồn tại của giai đoạn 1. Trong đó có nội dung chúng ta đã rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước là việc phân bổ bình quân trên tổng số các xã với một định mức như nhau. Sau kết quả giám sát của Quốc hội, chúng ta đã tổ chức lại theo hướng phân bổ tính theo vùng, miền. Những xã miền núi thì phân bổ bằng 4 đến 5 lần. Ví dụ, xã nào dưới 5 tiêu chí thì tập trung phân bổ nguồn lực gấp 5 lần trung bình, xã miền núi tăng gấp 4 lần… Đây cũng là một hướng điều chỉnh chính sách. Thứ hai là giai đoạn trước, nguồn lực Nhà nước chỉ chiếm 10% thì giai đoạn này điều chỉnh lên 13%, trong hoàn cảnh ngân sách khó khăn cũng là một giải pháp cố gắng. Do vậy, trong tổng số 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư vào nông thôn mới trong 9 năm qua thì riêng phần vốn Nhà nước đã tập trung tới 13,2%. Đây cũng là cố gắng chung. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo, chúng ta cũng chú ý đến những vùng, miền khó khăn. Tuy nhiên vẫn để xảy ra tình trạng là kết quả cuối cùng chưa được đồng đều. Đây cũng là một thực tế vì các xã miền núi thường địa hình rất rộng, thiết chế hạ tầng nói chung đều thấp kém hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng. Dân cư các vùng này cũng thưa thớt, nguồn lực tại chỗ ít và nguồn lực huy động xã hội khác gần như không có.
Chính vì thế, tới đây chúng ta phải chỉ đạo như phân hạng lại để những vùng, miền này phải được ưu tiên hơn nữa, không chỉ chính sách về ưu tiên miền núi mà ngay trong chương trình này. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ là sẽ xây dựng lại tiêu chí phân bổ và tăng nguồn lực Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thay đổi bộ tiêu chí. Những vùng miền núi phải lấy đơn vị thôn, bon, bản chứ nếu lấy đơn vị xã để áp tiêu chí thì có nhiều nơi mãi cũng không xây dựng được nông thôn mới…
Theo Báo Đắk Nông điện tử