THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Ngày 29/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Hội nghị được tổ chức với hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến.
Tham dự hội nghị tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Trần Xuân Hải, UV BTV, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo VP UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, Ban, ngành; thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hội doanh nhân trẻ và lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Chủ đề của Hội nghị mang thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: Doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, nội dung của hội nghị tập trung vào việc xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật của đội ngũ công chức, như tình trạng nhũng nhiễu do chính bộ máy hoặc do công chức gây ra.
Tại Hội nghị, thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ khi có luật doanh nghiệp nước ta đã có 941.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động chiếm 54,5%; 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau, chiếm 45,5%. Khoảng một nửa số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể nói trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Riêng trong 2015, 80.000 doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường và trong Quý 1/2016, tiếp tục có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, chỉ có 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi; 58% doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn. Con số 42% này mặc dù đã được cải thiện so với mức 32% và 35% của những năm trước đó nhưng việc chỉ có chưa đầy một nửa số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế đã cho thấy hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn khó khăn.
Trên cơ sở nhận định đúng tình hình của doanh nghiệp như trên,VCCI nhận định : "5 năm tới nên được xác định là 5 năm quốc gia khởi nghiệp , 5 năm cả nước tập trung toàn lực phát triển doanh nghiệp" . Thay mặt cộng đồng DN, VCCI đã đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế thông qua tăng cường chỉ đạo, giám sát thực thi Luật DN, Luật Đầu tư mới…, cần ban hành các chương trình thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, chuyển các hoạt động kinh tế phi chính thức sang chính thức trên diện rộng. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN, trong đó khuyến khích kết nối khu vực DN trong nước với các FDI thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện nay...
Tại hội nghị, đã có rất nhiều đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các bộ, ngành tham gia phát biểu, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hiến kế, góp ý để Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ, giải quyết. Đồng thời, trong khuôn khổ Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TPHCM, UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và VCCI đã thực hiện việc ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hai thành phố đã có những cam kết mạnh mẽ, cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư với những chỉ tiêu mang tính định lượng. Trong đó, Hà Nội cam kết đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử; 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng sẽ được giải quyết trong vòng 2 ngày (giảm 1 ngày so với quy định); duy trì tỉ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử 95%, nộp thuế điện tử là 90%; cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư so với quy định; giảm 20% thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... Thành phố Hồ Chí Minh cũng cam kết tích cực xây dựng chính quyền điện tử; phấn đấu 98% DN kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử là 90%; về thủ tục hải quan phấn đấu giảm 50% so với quy định; thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư giảm 30%...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật. DN được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tất cả các DN không phân biệt quy mô, loại hình (ngoại trừ một số DN an ninh, quốc phòng), thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh. Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để DN yên tâm bỏ vốn đầu tư. Đặc biệt, Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho DN phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hóa được, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN tự đánh giá được để tuân thủ. Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và DN, theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và DN, lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ khẳng định "doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng".
Buổi chiều, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp chưa được trả lời trước và trong Hội nghị. Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước". Nghị quyết sẽ được trình Chính phủ thảo luận thông tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016.
Sam Nguyễn