THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Không phân biệt văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng
Ngày đăng 16/08/2019 | 11:06  | View count: 4867

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập.

Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị

Sáng ngày 15/8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Nghị định 161/2018/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành và đã được các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, đồng bộ, thống nhất, bên cạnh những giải pháp cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cần tăng cường trao đổi, tập huấn để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức Trương Hải Long trình bày những điểm mới của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Thông tư 03/2019/TT-BNV.

Theo đó, tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung 19 nội dung của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP; 20 nội dung của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP và 05 nội dung của Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã kịp thời thể chế hóa một số giải pháp được đề ra tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; đồng thời đã nghiên cứu đổi mới công tác thi tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức theo hướng tổ chức thi thực chất, công khai, minh bạch, chặt chẽ, đảm bảo mặt bằng chung về trình độ, năng lực của công chức giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch; đẩy mạnh phân cấp cho bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Trương Hải Long, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới đáng chú ý. Điểm mới đầu tiên là đối với công tác tuyển dụng công chức, viên chức, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng không được đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập. Quy định này để đảm bảo phù hợp với Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục đại học về việc không quy định phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, cơ sở đào tạo. Chế độ ưu tiên trong tuyển dụng được quy định theo hướng cộng điểm ưu tiên và áp dụng thống nhất giữa tuyển dụng công chức và tuyển dụng viên chức. Theo đó, điểm ưu tiên được cộng vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

Bên cạnh đó, quy định nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức, viên chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Theo đó, việc tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo 2 vòng: vòng 1, thi trắc nghiệm trên máy vi tính; vòng 2, thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cũng phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính và tương đương trở xuống cho các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương quyết định danh sách công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch và chịu trách nhiệm toàn bộ trong quá trình tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo thẩm quyền. Quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và phân cấp thẩm quyền tuyển dụng đặc cách công chức cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Quy định thống nhất thời gian tập sự đối với viên chức phù hợp với trình độ đào tạo của chức danh nghề nghiệp viên chức được tuyển dụng để đảm bảo thống nhất giữa các lĩnh vực sự nghiệp.

Đáng lưu ý, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP đã kịp thời tháo gỡ một số vướng mắc trong việc thực hiện chế độ thôi việc đối với viên chức; tiếp tục đẩy mạnh việc phân công, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quyết định hình thức thi, quyết định tuyển dụng công chức không qua thi tuyển…; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức…

Đối với Thông tư số 03/2019/TT-BNV, ông Trương Hải Long cho biết, Thông tư được ban hành nhằm thực hiện các nội dung được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thực hiện tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các nội dung quy định trong các Thông tư do Bộ Nội vụ ban hành theo thẩm quyền trước đó có quy định liên quan đến việc tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không còn phù hợp hoặc đã được quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP.

Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ đã dành nhiều thời gian để các đại biểu trao đổi, giải đáp những bất cập, những vướng mắc cụ thể tại các bộ, ngành, địa phương khi triển khai thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Thông tư số 03/2019/TT-BNV./.

Theo dangcongsan.vn