THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng
Ngày đăng 16/07/2019 | 09:25  | View count: 10493

Thời gian qua, việc học tập, nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng luôn được các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người dân.

 

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Nông khóa XI, nhiệm kỳ 2015-2020 (mở rộng), đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trực tiếp quán triệt Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị

Học tập, quán triệt nghị quyết kịp thời, bảo đảm yêu cầu  

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bảo đảm theo yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Các tổ chức cơ sở đảng đều căn cứ vào các hướng dẫn để xây dựng nội dung, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát với thực tế của địa phương cũng như tổ chức quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Đối với những đơn vị thiếu báo cáo viên, Ban tuyên giáo các cấp thường xuyên hỗ trợ về con người khi có yêu cầu để tránh tình trạng không có người truyền đạt, đứng giảng, nên chỉ thị, nghị quyết không đến được với cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, để việc quán triệt, học tập chỉ thị, nghị quyết đạt hiệu quả, nhiều đơn vị đã lựa chọn nội dung trọng điểm, cốt lõi liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, chức năng của đơn vị mình để quán triệt, phổ biến.

Như Báo Đắk Nông, mới đây khi triển khai Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về "Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", Đảng ủy, các chi bộ trực thuộc đều lựa chọn nội dung cốt lõi liên quan đến hoạt động của mình để quán triệt cho cán bộ, đảng viên, phóng viên. Chi bộ Phòng Phóng viên đã tập trung vào các nội dung về thời gian tổ chức đại hội, tiêu chuẩn cấp ủy viên, thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội... Phóng viên là những người trực tiếp tuyên truyền và thường xuyên sâu sát cơ sở. Nếu không biết về nội dung cốt lõi của Chỉ thị 35 sẽ dẫn đến hiểu không đúng và viết không trúng. Hơn nữa, khi tiếp xúc với người dân, nếu không nắm bắt được chỉ thị thì sẽ không biết trả lời hoặc người dân hiểu sai thì không thể giải thích đúng.

Về phía tỉnh, thời gian gần đây, Tỉnh ủy cũng đã tổ chức các hội nghị nghiên cứu học tập, quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Cách làm này đã rút ngắn thời gian triển khai, giảm việc đi lại và tổ chức nhiều hội nghị, tiết kiệm kinh phí. Hơn nữa, việc được nghe trực tiếp từ những người có chuyên môn, kỹ năng truyền đạt cũng tạo nên sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên, người dân, qua đó góp phần tạo dựng niềm tin và tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, tạo sự đồng thuận xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Vân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tổ chức được 654 lớp học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng với 27.804 cán bộ, đảng viên tham gia. Qua đó cho thấy, công tác tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng luôn được đổi mới, khoa học, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng và nâng cao về chất lượng.

Những hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy đảng còn lúng túng trong việc xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch chương trình hành động, dẫn đến việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đôi lúc còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Một số địa phương còn ỷ lại, khoán trắng việc quán triệt chỉ thị, nghị quyết cho ngành Tuyên giáo, hay cấp ủy, bí thư, phó bí thư. Một số báo cáo viên hạn chế kỹ năng, phương pháp truyền đạt, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, nên việc liên hệ, vận dụng với địa phương chưa sâu, chưa sát. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt các cấp chưa nghiêm túc trong học tập, còn tình trạng học qua loa, chiếu lệ, làm việc riêng, nói chuyện, vắng mặt...

Chính vì không tiếp thu, học tập, nên nhiều cán bộ chưa nắm vững tinh thần các chỉ thị, nghị quyết, dẫn đến chưa tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động. Cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, nghiên cứu cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền đạt nghị quyết còn hạn chế.

Có thể nói, nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và yêu cầu đổi mới việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của cấp ủy. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập nghị quyết thiếu thường xuyên, nghiêm túc, còn mang tính hình thức. Đội ngũ báo cáo viên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng tuyên truyền…

Cần nâng cao chất lượng

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Vân, việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng rất quan trọng nhằm tạo ra sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân, là tiền đề vững chắc bảo đảm cho sự thành công trong tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây cũng là điều kiện tiên quyết đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cần có trách nhiệm báo cáo nhanh hoặc tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết một cách kịp thời. Việc đổi mới phương pháp tổ chức và tăng cường công tác quản lý việc học tập, quán triệt nghị quyết cũng cần được chú trọng. Mỗi địa phương cần có một chương trình, kế hoạch thực hiện riêng, lựa chọn nội dung trọng tâm, sát với thực tiễn của mình để từ triển khai đến khi đưa chỉ thị, nghị quyết vào cuộc sống được hiệu quả.

Các báo cáo viên, những người giảng dạy chỉ thị, nghị quyết cần mềm hóa các nội dung truyền đạt, gắn với kiến thức thực tế, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, trách nhiệm của người đảng viên để mang lại hiệu quả cao, tránh tình trạng học xong không biết mình làm gì, làm như thế nào. Mỗi cán bộ, đảng viên cần tự nêu cao ý thức, trách nhiệm, nêu gương trong học tập, tiếp thu, lắng nghe, có ghi chép, tránh tình trạng học mang tính đối phó, cốt để điểm danh, hay làm việc riêng, đi học không sách vở, ghi chép… Sau mỗi buổi học tập, cơ quan, đơn vị cần tổ chức kiểm tra, cho viết bài thu hoạch, liên hệ nội dung học với thực tế cơ quan, đơn vị để bảo đảm việc học được thực chất. Các cấp ủy đảng cần xem việc học tập lý luận chính trị là một trong những yêu cầu bắt buộc trong công tác xây dựng Đảng, là tiêu chí quan trọng trong phân loại cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng hằng năm.

Theo Báo Đắk Nông điện tử