THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Thế giới tuần qua: Việt Nam - EU ký EVFTA và EVIPA
Ngày đăng 08/07/2019 | 10:31  | View count: 13795

Truyền thông quốc tế đưa tin Việt Nam và EU ký EVFTA và EVIPA, Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự trong dịp Quốc khánh, Tổng thống Nga ký ban hành luật đình chỉ INF, Iran triệu Đại sứ Anh phản đối vụ bắt giữ tàu trên eo biển Gibraltar… Đó là một số tin tức được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Việt Nam và EU ký EVFTA và EVIPA

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Truyền thông quốc tế, trong đó có các tờ báo và hãng tin lớn, đã nhanh chóng đưa tin về sự kiện này.

Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA)
giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày 30/6 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo hãng tin Reuters (Anh), đây là thỏa thuận đầu tiên mà châu Âu ký với một nước đang phát triển ở châu Á, mở đường cho việc giảm tới 99% hàng rào thuế quan hàng hóa giữa EU và Việt Nam, cũng như mở cửa thị trường dịch vụ và mua sắm công trong các lĩnh vực bưu chính, ngân hàng và hàng hải.

Bên cạnh đó, Reuters cũng cho biết Việt Nam là một trong số nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực nhờ xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Trước EVFTA, Việt Nam cũng đã ký nhiều thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Báo Financial Post của Canada cũng đưa tin về việc Việt Nam và EU ký EVFTA và EVIPA, trong đó dẫn đánh giá của EU coi EVFTA là "thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất" mà châu lục này ký với một nước đang phát triển. Trang tin Euronews cũng đưa tin về sự kiện trên, đồng thời cho biết thỏa thuận vẫn cần sự thông qua của Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu để có hiệu lực. Nhật báo Tài chính (Het Financieele Dagblad) của Hà Lan cũng nhanh chóng thông tin về sự kiện đáng chú ý này.

Báo Thương mại (Handelsblatt) của Đức đưa tin, với thỏa thuận đạt được, Việt Nam và EU sẽ dỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan, trong đó sẽ có khoảng 2/3 số hàng hóa lập tức không còn thuế quan khi EVFTA có hiệu lực. Theo tờ báo này, kể từ khi mở cửa kinh tế, quốc gia Đông Nam Á với 95 triệu dân trong nhiều năm luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao. Sau Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực.

Mỹ phô diễn sức mạnh quân sự trong dịp Quốc khánh

Ngày 4/7, người dân Mỹ tưng bừng tổ chức các hoạt động mừng Quốc khánh. Điểm đặc biệt trong lễ kỷ niệm Quốc khánh năm nay của nước Mỹ là sự hiện diện của các khí tài quân sự hiện đại.

Máy bay chiến đấu trình diễn trên bầu trời thủ đô Washington trong Ngày Quốc khánh Mỹ (Ảnh: Reuters)

Để chào mừng ngày Quốc khánh 4/7, rất nhiều sự kiện như các cuộc diễu hành, các buổi hòa nhạc, các bữa tiệc ngoài trời, các buổi lễ, hoạt động bắn pháo hoa được tổ chức tại thủ đô Washington và các thành phố lớn như New York, Boston, San Francisco và nhiều nơi khác.

Tại Thủ đô Washington, một lễ kỷ niệm trang trọng đã được tổ chức với tên gọi "Lời chào tới nước Mỹ". Tại lễ kỷ niệm, Tổng thống Donald Trump đã có bài phát biểu chào mừng, trong đó ông ca ngợi sức mạnh quân sự của nước Mỹ.

Tại lễ kỷ niệm, người dân được chứng kiến màn trình diễn của các máy bay chiến đấu hiện đại nhất như F-22, F-35 cùng một máy bay ném bom chiến lược B2; một số loại xe tăng hạng nặng cũng được trưng bày tại buổi lễ. Sau màn phô diễn sức mạnh quân sự, người dân Mỹ được chiêm ngưỡng các màn bắn pháo hoa lớn nhất từ trước tới nay.

Tổng thống Nga ký ban hành luật đình chỉ INF

Ngày 3/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết với Mỹ năm 1987.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)

Luật trên cũng khẳng định việc khôi phục hiệu lực của INF sẽ do người đứng đầu Nhà nước Nga quyết định. Các thông tin này đã được đăng trên trang web chính thức của chính phủ Nga, ngày 3/7. Luật có hiệu lực kể từ ngày được ban hành chính thức.

Trước đó, dự luật đình chỉ INF đã được Hạ viện (Duma quốc gia) Nga phê chuẩn vào ngày 18/6 và được Thượng viện (Hội đồng Liên bang Nga) thông qua vào ngày 26/6.

Hiệp ước INF được Nga và Mỹ ký kết ngày 8/12/1987 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định các bên liên quan không được sản xuất cũng như phóng thử hay triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000km (tầm ngắn) và từ 1.000-5.500km (tầm trung). Đây được xem là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết trước đây. Hiệp ước này cũng được đánh giá là một công cụ giúp xóa phỏ mối đe dọa hạt nhân trong quan hệ giữa hai cường quốc là Nga và Mỹ – vốn luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, INF đã đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ bắt đầu cáo buộc Nga phá vỡ Hiệp ước này từ tháng 7/2014. Cũng kể từ thời điểm trên, Mỹ đã nhiều lần lặp lại những lời lẽ chỉ trích Nga về việc vi phạm INF, bất chấp sự bác bỏ thẳng thắn từ phía Moscow.

Iran triệu Đại sứ Anh phản đối vụ bắt giữ tàu trên eo biển Gibraltar

Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Anh tại Iran – ông Rob Macaire tới cơ quan này nhằm bày tỏ quan điểm phản đối của Tehran sau khi các lực lượng Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran trên eo biển Gibraltar.

Tàu tuần tra của Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh xuất hiện bên cạnh tàu chở dầu Grace 1
ở ngoài khơi eo biển Gibraltar. (Ảnh: AP)

Báo chí nước ngoài đưa tin, ông Macaire đã bị triệu tới trụ sở Bộ Ngoại giao Iran vào ngày 4/7 chỉ vài giờ đồng hồ sau khi xuất hiện thông tin về việc tàu chở dầu Grace 1 đã bị cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển Gibraltar, với sự hỗ trợ của Lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ vào sáng sớm 4/7 do nghi ngờ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) khi chở dầu đến Syria. 

Một số chuyên gia cảnh báo, vụ Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran theo yêu cầu từ phía Mỹ sẽ khiến mối quan hệ đối đầu giữa Iran và các nước phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng và quan hệ giữa Iran và các nước còn lại tham gia bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015 càng trở nên mờ nhạt.

Hiện, Mỹ đang theo đuổi mục tiêu đưa các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức 0, trong một phần của việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này – vốn được khôi phục trở lại sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào năm 2018. Trong khi đó, Iran cũng đang cáo buộc một số nước châu Âu đã bỏ qua những thỏa thuận trước đây và có động thái hưởng ứng các bước đi của Mỹ thay vì bảo vệ các lợi ích kinh tế của Iran.

Biểu tình lần thứ 20 liên tiếp tại Algeria

Ngày 5/7, hàng nghìn người dân Algeria tiếp tục xuống đường biểu tình tại thủ đô Algiers, đúng vào Ngày kỷ niệm 57 năm Quốc khánh Algeria (5/7/1962 – 5/7/2019).

Người dân biểu tình tại thủ đô Algiers, Algeria (Ảnh: AFP)

Đây là "Ngày Thứ Sáu lần thứ 20" liên tiếp, chủ yếu nổ ra tại khu vực trung tâm thủ đô Algiers, bất chấp một loạt người bị lực lượng chức năng bắt giữ trong các cuộc biểu tình trước đó, kể từ khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika buộc phải từ chức ngày 2/4 sau 20 năm cầm quyền.

Đất nước Algeria đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi người dân liên tục biểu tình trên cả nước kể từ ngày 22/2 vừa qua, khi cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tuyên bố sẽ tái tranh cử nhiệm kỳ 5 liên tiếp.

Các cuộc biểu tình đòi yêu cầu truy tố các cựu quan chức liên quan tới chế độ thời cựu Tổng thống Bouteflika, kêu gọi chính phủ chuyển tiếp không được trì hoãn tổng tuyển cử tự do.

Trước đó, hai cựu Thủ tướng Abdelmalek Sellal và Ahmed Ouyahia cùng với một loạt các quan chức cấp cao của Algeria đã bị bắt giữ liên quan đến các cáo buộc tham nhũng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (tức Thượng viện) Abdelkader Bensalah tạm thời giữ chức Tổng thống trong thời gian tối đa 90 ngày để tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống mới.

Liên hợp quốc: Cần hành động khẩn cấp vì khí hậu

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa ra tuyên bố nhấn mạnh vẫn còn nhiều việc phải làm và cần phải có hành động khẩn cấp để giải quyết tình trạng cấp bách về khí hậu toàn cầu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (Ảnh: UN)

Phát biểu tại một cuộc họp tại Abu Dhabi hôm 30/6 để huy động hành động vì khí hậu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: "Rõ ràng với tôi rằng chúng ta không còn thời gian để mất" song "thật không may, lại vẫn chưa rõ ràng đối với tất cả những người ra quyết định dẫn dắt thế giới của chúng ta". Ông Antonio Guterres lưu ý "nhiều quốc gia thậm chí không giữ lời hứa mà họ đã thực hiện theo Thỏa thuận Paris" về khí hậu.

Theo ông Antonio Guterres, "tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ một cách tham vọng và khẩn cấp. Việc duy trì sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ sẽ đòi hỏi "sự chuyển đổi nhanh và sâu" trong quản lý đất, năng lượng, công nghiệp, các tòa nhà, giao thông và thành phố". Đó là lý do tại sao các đại biểu đại diện cho các chính phủ được kêu gọi tham dự hội nghị thượng đỉnh hành động khí hậu vào tháng 9 tới đây.

Cuộc họp tại Abu Dhabi được tổ chức nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh tháng 9, tập hợp các Bộ trưởng và quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự để thảo luận về các ý tưởng, đề xuất và sáng kiến có thể được công bố hoặc đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới./.

Theo dangcongsan.vn