THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, những năm qua nhiều huyện, thị xã đã thực hiện chuyển đổi biên chế nhân viên sang biên chế giáo viên. Một câu hỏi đặt ra là liệu những giáo viên được chuyển đổi từ biên chế nhân viên qua có đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hay không?
Chuyển đổi trên tinh thần tự nguyện
Trong bối cảnh thiếu giáo viên, từ năm học 2017-2018, các huyện, thị xã đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục nhưng cũng chỉ mang tính "tình thế". Vì vậy, việc chuyển đổi biên chế nhân viên qua biên chế giáo viên cũng được xem là giải pháp "giật gấu vá vai". Nhân viên được tham gia học chuyển đổi như văn thư, thủ quỹ, y tế học đường, thư viện…
Nhiều trường, nhân viên đã tự nguyện đi học thêm các lớp đào tạo trung cấp sư phạm mầm non và được bố trí đứng lớp. Phần lớn kinh phí đào tạo do nhân viên tự bỏ ra đi học. Vì chuyển đổi một số nhân viên nên những nhân viên khác trong trường sẽ phụ trách thêm nhiệm vụ của những người đã được chuyển đổi. Vì vậy, nhiều trường có tình trạng một nhân viên kiêm nhiệm văn thư và thủ quỹ.
Ngoài chuẩn bằng cấp, để nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ, giáo viên mầm non cần nhiều yếu tố khác như cập nhật những phương pháp đổi mới, tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức... |
Có thể nói, việc bố trí nhân viên đã học chuyển đổi đứng lớp phần nào giảm bớt áp lực thiếu giáo viên của một số trường mầm non. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên; trong đó giáo viên mầm non thiếu trên 830 người. Trên tinh thần tự nguyện của nhân viên các trường học, một số huyện, thị xã đã thực hiện chuyển đổi vị trí việc làm sau khi các nhân viên đã tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm.
Qua thống kê sơ bộ từ các phòng giáo dục huyện, thị xã, hiện nay toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được khoảng trên 60 nhân viên sang giáo viên đứng lớp. Điển hình, huyện Đắk Glong chuyển đổi được 17 nhân viên; thị xã Gia Nghĩa chuyển đổi được 6 nhân viên và hiện có 17 nhân viên đang tham gia các lớp nghiệp vụ sư phạm...
Trước hết phải khẳng định, nhiều nhân viên sau khi chuyển đổi đứng lớp đã nỗ lực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, việc bảo đảm chất lượng giáo dục và nuôi dạy trẻ đáp ứng yêu cầu đổi mới hay không thì chưa ai dám khẳng định.
Theo ban giám hiệu một số trường mầm non, đối với những giáo viên mới được chuyển đổi, nhà trường có những kế hoạch cụ thể giúp đỡ để có thêm điều kiện, cơ hội nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ. Thường một lớp, các trường sẽ bố trí một giáo viên mới cùng một giáo viên lâu năm nhằm hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm trong các hoạt động giáo dục và chăm sóc thực tiễn.
Trường mầm non Hoa Sen ở xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) bố trí nhân viên chuyển đổi qua biên chế giáo viên đứng lớp cùng một giáo viên lâu năm |
Rà soát, kiểm tra lại quy trình thực hiện
Cũng theo ông Toàn, khi chuyển từ nhân viên sang giáo viên, ngoài chuẩn bằng cấp thì cần nhiều yếu tố khác để có thể bảo đảm được chất lượng dạy học. Vì vậy, với số lượng đã chuyển đổi ở các huyện, thị xã, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra lại quy trình thực hiện và chất lượng chuyên môn. Sở cũng đề nghị các phòng giáo dục tăng cường các giải pháp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực chuyên môn như tập huấn, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề...
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, việc chuyển đổi biên chế nhân viên sang giáo viên phải đáp ứng 3 yêu cầu cơ bản: Trước tiên là phải trên tinh thần tự nguyện của nhân viên; hai là trước khi chuyển đổi, nhân viên phải được đào tạo đạt chuẩn bằng cấp, ít nhất là trình độ trung cấp mầm non trở lên; ba là sau khi đào tạo về, nếu đạt yêu cầu sẽ thực hiện chuyển đổi vị trí việc làm. Hiện tại, một số huyện, thị xã đã triển khai thực hiện, nhưng chỉ mang tính tự phát để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp bậc mầm non. |
Hiện nay, Sở GD-ĐT đang trình UBND tỉnh về Đề án sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô điểm trường, lớp học các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường phổ thông công lập nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2019-2021. Sau khi được phê duyệt, Sở sẽ chỉ đạo thực hiện. Nếu số nhân viên dôi dư, Sở sẽ có kế hoạch cụ thể thực hiện tinh giản hoặc có kế hoạch đào tạo chuyển đổi vị trí việc làm, nhất là bổ sung cho giáo viên mầm non hiện đang thiếu.
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ GD-ĐT với ngành Giáo dục tỉnh mới đây, nhiều cán bộ quản lý cũng đã nêu những khó khăn, bất cập về tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm qua. Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, việc thực hiện các giải pháp hiện nay chỉ mang tính cấp thiết trước mắt. Ngành Giáo dục tỉnh cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT có những giải pháp đặc thù nhằm giải quyết tình trạng thiếu biên chế giáo viên đối với các tỉnh miền núi nói chung và Đắk Nông nói riêng để bảo đảm nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo Báo Đắk Nông điện tử