THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) thì đến đầu tháng 2, toàn tỉnh đã hoàn thành việc xuống giống được hơn 8.281 ha/9.500 ha, đạt trên 87,17% so với kế hoạch và nhanh hơn so với vụ đông xuân năm ngoái khoảng 368 ha.
Trong đó, khác với thực tế nhiều năm trước, năm nay, lúa là cây trồng được đẩy nhanh tiến độ, nhanh hơn 200 ha so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 4.000 ha/4.400 ha kế hoạch.
Ngoài ra, một số loại cây khác như khoai lang, đậu đỗ, rau xanh cũng được nông dân xuống giống đồng loạt giúp đẩy nhanh tiến độ. Kết quả này một phần là nhờ điều kiện thời tiết đầu vụ có diễn biến thuận lợi hơn, theo đó lượng mưa vừa đủ và đồng đều tại nhiều vùng sản xuất tập trung của bà con. Cùng với đó, các địa phương, ngành nông nghiệp cũng đã có những chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất quyết liệt đã góp phần đẩy nhanh tiến độ gieo trồng.
Nông dân xã Đắk Ha (ĐắK Glong) xuống giống ngô vụ đông xuân |
Tại huyện Chư Jút, nếu như vụ đông xuân năm 2015-2016 gặp nhiều bất lợi do thời tiết khô hạn ngay từ đầu vụ thì năm nay, việc sản xuất diễn ra suôn sẻ hơn. Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện đã xuống giống được 1.315 ha/1.000 ha, đạt 131,5% so với kế hoạch. Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút thì việc sản xuất lúa tăng nằm trong sự kiểm soát bảo đảm tính an toàn.
Theo đó, các cấp, ngành nông nghiệp địa phương đã căn cứ trên thực tế về thời tiết, lượng nước từ các hồ đập để giúp nông dân sản xuất thắng lợi. Đến nay, lúa cũng như các loại cây trồng khác trên địa bàn huyện đều sinh trưởng, phát triển tốt. Công tác duy tu, bảo dưỡng, điều tiết nước từ các công trình thủy lợi cũng đã được phối hợp tốt giữa các bên liên quan.
Tương tự, toàn huyện Krông Nô cũng đã gieo trồng được 4.280 ha/4.225 ha, đạt 101% so với kế hoạch. Lúa cũng là cây trồng tăng diện tích so với năm ngoái khoảng 54 ha, đạt mức 1.854 ha.
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: "Tiến độ đẩy nhanh là nhờ việc huyện đã rút kinh nghiệm ở vụ đông xuân năm 2016. Theo đó, chính quyền các cấp đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ khâu làm đất, xuống giống nhanh, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để bảo đảm an toàn, thắng lợi, tránh việc các loại cây trồng, nhất là lúa chịu ảnh hưởng nặng do việc thiếu nước".
Các địa phương khác như Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Glong, tiến độ sản xuất cũng đã gần đạt kế hoạch.
Nông dân phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) chăm sóc rau vụ đông xuân |
Về tình hình dịch bệnh trên cây trồng, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, qua theo dõi của đơn vị đến nay, tình hình sâu bệnh trên các loại cây ngắn ngày vụ đông xuân có mật độ, tỷ lệ sâu hại thấp. Để thúc cho cây phát triển, bà con nên tập trung tỉa, dặm, bón phân đối với lúa, đồng thời chăm sóc các loại cây trồng khác đúng lúc, đúng cách.
Ông Nguyễn Văn Chương lưu ý thêm: Tuy chưa có dịch bệnh lớn phát sinh gây hại nhưng các địa phương, nông dân cũng không được chủ quan, lơ là. Đối với nông dân, ở giai đoạn này bà con nên thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng, chống nạn ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, ruồi đục nõn, rầy nâu. Khi thời tiết lạnh về đêm, bà con cần chú ý phòng, chống bệnh đạo ôn bằng các biện pháp kỹ thuật cả về dinh dưỡng và thuốc bảo vệ thực vật, tránh để lây lan ra diện rộng.
Theo chinhphu.vn