THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Hỗ trợ vật nuôi giúp người dân cải thiện sinh kế
Ngày đăng 24/04/2017 | 15:26  | View count: 4298

Thời gian qua, việc triển khai các hoạt động sinh kế theo nhóm của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (GNTN) tỉnh Đắk Nông đã giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập, thay đổi tích cực trong tư duy canh tác, chăn nuôi.

Tiểu dự án nuôi dê của người dân xã Thuận Hà (Đắk Song) hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế

Xã Tân Thành (Krông Nô) được Dự án GNTN tỉnh Đắk Nông chọn triển khai hỗ trợ các tiểu dự án (TDA) chăn nuôi, phát triển sinh kế. Đến nay, các TDA chăn nuôi bò, dê, gà, heo… đã và đang phát triển tốt.

Gia đình chị Bùi Thị Xuân ở thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành được dự án hỗ trợ 50 con gà giống, 70 kg cám ăn, thuốc khử trùng và thuốc phòng bệnh. Từ số gà giống được dự án hỗ trợ, sau hơn một năm, đàn gà của gia đình chị đã tăng lên hơn 100 con, trong đó có 15 con gà mái đẻ trứng.

Chị Xuân cho biết: "Trong dịp tết vừa rồi, gia đình tôi đã bán được 5,4 triệu đồng tiền gà, trứng và tái đàn được hơn 100 con. Bây giờ từ nuôi gà, gia đình tôi có thêm nguồn thu đáng kể".

Năm 2016, Dự án GNTN tỉnh Đắk Nông hỗ trợ cho 10 thành viên trong thôn Đắk Lưu 500 con gà, cùng kinh phí làm chuồng trại, thức ăn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi sao cho hiệu quả. Hiện nay, đàn gà của các thành viên trong nhóm đều phát triển tốt và đã tái đàn. Các thành viên trong nhóm luôn tổ chức họp định kỳ hằng tháng để trao đổi, chia sẻ với nhau cách thức chăn nuôi.

Các thành viên còn góp quỹ được 3 triệu đồng. Số tiền này vừa làm kinh phí hoạt động của nhóm và cho các thành viên khó khăn trong nhóm vay để đầu tư phát triển kinh tế hộ. Đến nay, các hộ trong nhóm đều tái đàn từ 50-60 con.

Theo ông Ngô Trần Vinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án GNTN huyện Krông Nô thì hiệu quả về mặt kinh tế của các TDA chăn nuôi đã phát huy hiệu quả. Khi tham gia dự án, các hộ dân được tập huấn, được tiếp cận khoa học kỹ thuật, do đó, năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng lên.

Thời gian qua, Dự án GNTN huyện Krông Nô đã triển khai được 40 con bò cho 40 hộ, 142 con dê cho 71 hộ, 660 con heo cho 220 hộ, 5.750 con gà cho 115 hộ… Điều đáng ghi nhận là đến nay đã có 16 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo sau khi tham gia dự án; trong đó có 12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Còn tại huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong… , việc hỗ trợ con giống để người dân có điều kiện mở rộng chăn nuôi, phát triển kinh tế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bà Lê Thị Quang ở bon Bu Nơr B, xã Quảng Tâm (Tuy Đức), một thành viên trong nhóm cải thiện sinh kế (LEG) chăn nuôi gà của bon Bu Nơr cho biết: Năm 2015, gia đình tôi được dự án hỗ trợ 30 con gà giống. Sau gần 2 năm, tôi đã nhân đàn lên trên 500 con. Mỗi lứa gà gia đình tôi bán được gần 7-8 triệu đồng.

Đề cập đến tính khả thi, hiệu quả của các TDA chăn nuôi, ông Đoàn Lê Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý GNTN huyện Tuy Đức chia sẻ: "Qua một thời gian triển khai các dự án sinh kế, dự án an ninh lương thực, dinh dưỡng... đã giúp cho nông dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước giảm nghèo, tiếp cận khoa học kỹ thuật để xây dựng kế hoạch sản xuất".

Theo Ban Quản lý GNTN tỉnh Đắk Nông, đến hết năm 2016, dự án đã triển khai tập huấn, hỗ trợ giống, chuồng trại cho 165 TDA, đạt 99% tiến độ so với kế hoạch (có 69 TDA đã nghiệm thu). Việc triển khai các hoạt động sinh kế theo nhóm, được sự hỗ trợ từ dự án đã tăng thêm thu nhập, tiến đến tăng thêm giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn cho người dân và bước đầu đã thay đổi tích cực trong tư duy canh tác, chăn nuôi theo hướng an toàn và bảo vệ môi trường cho bà con trong vùng dự án hoạt động.

Theo Đăk Nông Online