THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Sáng ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Cụ thể gồm: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Các Luật còn lại có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước
Giới thiệu về những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Phó Tổng Thanh Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết: Luật từng bước mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, Luật quy định việc áp dụng Luật PCTN đối với các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân nhân hoạt động từ thiện.
Luật đã quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tăng cường một bước tính tập trung và phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi; quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức và một số nhóm giữ chức vụ, chức danh quản lý; đồng thời đổi mới căn bản phương thức kê khai để giảm bớt số đối tượng phải kê khai hàng năm và khắc phục tính hình thức trong thực hiện.
"Đây là một trong những nội dung mới và thay đổi căn bản so với Luật hiện hành", Phó Tổng Thanh tra nói.
Luật bổ sung quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân; bổ sung quy định thẩm quyền của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng...
Luật năm 2018 cũng đã quy định một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hoá và đề cao vai trò người đứng đầu.
Về xử lý tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho hay, đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, thể hiện tính nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, tăng cường hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả của công tác PCTN. Cụ thể, Luật PCTN 2018 đã quy định rõ các nguyên tắc về việc xử lý tham nhũng, liệt kê các hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này...
Luật gồm 10 Chương với 96 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ biển, đảo Việt Nam
Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 41 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: Việc Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hoà bình, phù hợp với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đây cũng là một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ biển, đảo Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Trong đó, Luật xác định rõ vị trí, vai trò của CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển. Luật xác định rõ 3 chức năng, 7 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn của CSBVN. Luật xây dựng riêng một chương về phối hợp hoạt động của CSBVN...
Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại
Luật Công an nhân dân năm 2018 gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Riêng các quy định liên quan đến cấp bậc hàm cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2019.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Luật Công an nhân dân năm 2018 đã thể chế hoá quan điểm chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị "về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật CAND năm 2014; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, trực tiếp, quan trọng để lực lượng CAND nâng cao chất lượng, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho; xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo môi trường ổn định để phát triển mọi mặt của đất nước.../.
Theo dangcongsan.vn