THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, những năm gần đây, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn xã Nghĩa Thắng (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) đã có những chuyển biến tích cực.
Phụ nữ mang thai được nhân viên y tế xã Nghĩa Thắng tư vấn những kiến thức cơ bản về thực hành chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em |
Theo Trạm y tế xã, hiện nay, xã có khoảng 1.700 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chiếm gần 20% tổng dân số. Hàng năm, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chính sách dân số luôn được chú trọng và thực hiện linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn. Ngoài việc treo băng rôn, tuyên truyền qua loa phát thanh xã..., Trạm cũng thường xuyên phối hợp với các trưởng thôn, bon, đoàn thể tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ, thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ không sinh con thứ 3, chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Tại mỗi thôn, bon, công tác tuyên truyền còn được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt với sự tham gia tích cực của nhân viên y tế, dân số. Hàng tháng, đội ngũ này thường xuyên theo dõi và nắm bắt số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cặp vợ chồng sinh con một bề… để tiếp cận và tuyên truyền.
Chị Lê Thị Xuân, nhân viên y tế thôn Quảng Thuận cho biết: "Tâm lý chung của các gia đình là đều thích "có nếp, có tẻ", nhất là những gia đình sinh con một bề. Vì vậy, tôi cùng một số chị em trong chi hội phụ nữ phải dành nhiều thời gian để gặp gỡ, tư vấn, vận động. Thực tế, việc tuyên truyền, vận động không phải ngày một ngày hai là có hiệu quả ngay mà đòi hỏi phải kiên trì, khéo léo. Kết quả, những năm gần đây, nhiều gia đình đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ, sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy tốt".
Còn theo chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên y tế-dân số thôn Quảng Tiến, hiện nay, thôn có khoảng 180 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; trong đó, nhiều gia đình sinh 2 con một bề. Qua nhiều kênh thông tin, tuyên truyền cũng như xuất phát từ thực tế cuộc sống, các cặp vợ chồng đã tự chủ động tìm hiểu thông tin và tự giác thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Mỗi năm, thôn chỉ có khoảng 3-5 cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên.
Theo Trạm y tế xã, trong 9 tháng đầu năm 2018, 100% phụ nữ mang thai đến khám thai tại trạm đều được tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tỷ lệ phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi trên địa bàn xã được tiêm vắc xin uốn ván đạt 97,8%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 96%; tỷ lệ trẻ được uống vitamin A đạt 96%... |
Không chỉ chú trọng tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng thực hiện tốt việc KHHGĐ, địa phương còn chú trọng truyền thông về nâng cao chất lượng dân số thông qua các mô hình, đề án cụ thể như: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật ở trẻ; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các hộ gia đình trong xã đã nắm được những kiến thức cơ bản về thực hành chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em như khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván trước khi sinh, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc sau sinh, uống Vitamin A...
Chị Nguyễn Thị Hòa ở thôn Quảng Tiến cho biết: "Trước đây, tôi vẫn cho rằng cha mẹ khỏe, ắt con cũng khỏe. Thế nhưng, khi mang thai, tôi đến khám thai tại cơ sở y tế đã được tư vấn về việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh thì thấy đây là việc làm rất cần thiết. Nếu không được tuyên truyền, tư vấn, tôi cũng như nhiều phụ nữ mang thai khác sẽ không biết, chủ quan bỏ qua".
Ông Lê Mai Tưởng, Trưởng Trạm y tế xã Nghĩa Thắng cho biết: "Phát huy những kết quả đạt được, xã đang tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, chú trọng vào hai địa bàn trọng điểm là bon Bù Đốp và bon Bu Ja Ráh. Cùng với việc củng cố, kiện toàn mạng lưới cán bộ làm công tác dân số tại các thôn, bon, xã cũng từng bước mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ KHHGĐ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân".
Theo Đắk Nông Online