THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Tăng lương hưu, lương cơ sở, trợ cấp; nhiều dịch vụ y tế được giảm giá khi đi khám chữa bệnh; tăng thời gian thực hiện chương trình giảm giá; hỗ trợ chuyển giao công nghệ… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2018.
Lương hưu, trợ cấp tăng 6,92%
Theo Nghị định 88/2018/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, từ ngày 1/7/2018, tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng…
Tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng/tháng
Từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở sẽ chính thức được điều chỉnh tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, tức tăng 90.000 đồng/tháng.
Đây là nội dung chính trong Nghị định 72/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 15/5/2018 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Nghị định quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Mức lương cơ sở này dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Thưởng cán bộ, công chức kiểm toán đến 0,8 lần lương
Có hiệu lực từ ngày 1/7, Nghị định 66/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước, quy định: Hàng năm, căn cứ vào kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước được trích 5% số tiền do Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị theo quy định để chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước, nhưng không vượt quá 0,8 lần mức lương do Nhà nước quy định, gồm: Lương ngạch bậc, chức vụ; Các khoản phụ cấp: phụ cấp chức vụ, phụ cấp vượt khung và phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị quyết số 325/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 29/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chế độ đối với cán bộ, công chức của Kiểm toán nhà nước.
Số kinh phí còn lại sau khi chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.
Nghị định áp dụng từ năm ngân sách 2017, đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán Nhà nước; người lao động hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
5 điều kiện được hưởng án treo
Ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng về các điều kiện được hưởng án treo.
Cụ thể: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; Có nhân thân tốt; Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong đó, thời gian thử thách của án treo phải bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 1 năm và không được quá 5 năm.
Đặc biệt, không cho hưởng án treo với người phạm tội bị xét xử cùng 1 lần về nhiều tội; phạm tội nhiều lần; bị truy nã hoặc là người chủ mưu.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp
Ngày 22/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.
Theo đó, Nghị định đã quy định khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Đối tượng, nguyên tắc và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư.
Theo Nghị định này, dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân.
Về chính sách đối với khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất, Nghị định quy định: Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan; Doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa, tại chỗ", hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án; Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ
Có hiệu lực từ ngày 10/7, Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến nông, quy định: Người nhận chuyển giao công nghệ nông nghiệp được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông. Người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham gia, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định.
Hỗ trợ đến 100% chi phí chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh khi tham gia xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đến 100% kinh phí thực hiện mô hình tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhưng không quá 100 triệu đồng/mô hình…
Nhiều dịch vụ y tế được giảm giá khi đi khám chữa bệnh
Theo Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản, điều chỉnh giảm 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh (của 5 hạng bệnh viện và tuyến y tế xã), bình quân giảm 17%; 34 giá ngày giường bệnh (của 5 hạng bệnh viện và các loại giường), bình quân giảm 6%; 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm, bình quân giảm 24%.
Đồng thời, Thông tư cũng điều chỉnh tăng 9 dịch vụ, gồm: 7 giá ngày giường chủ yếu là giường hồi sức tích cực và giường hồi sức cấp cứu, bình quân điều chỉnh tăng 5%; 2 dịch vụ xét nghiệm. Bổ sung và điều chỉnh ghi chú cụ thể một số thuốc, vật tư chưa kết cấu trong giá của 160 dịch vụ kỹ thuật làm cơ sở để BHXH thanh toán cho người có thẻ BHYT theo thực tế sử dụng; làm tăng quyền lợi của người tham gia BHYT.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2018.
Tăng thời gian thực hiện chương trình giảm giá
Theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại qui định, từ ngày có hiệu lực (15/7), tổng thời gian thực hiện chương trình giảm giá với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ tối đa là 120 ngày/năm (tăng 30 ngày so với quy định cũ).
Tiền có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi, trừ trường hợp khuyến mãi theo hình thức: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền; khuyến mãi bằng hình thức giảm giá; bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.
Giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi đó trước thời gian khuyến mãi.
Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mãi) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi là 100%. Hạn mức này cũng được áp dụng đối với hoạt động khuyến mãi trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Trừ trường hợp tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung thì được áp dụng mức giảm giá tối đa 100%.../.
Theo dangcongsan.vn