THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Hội nghị tập huấn về chuẩn hóa địa danh trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 13/06/2018 | 11:48  | View count: 5295

Ngày 13/6, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông phối hợp với Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Trung tâm điều tra - Xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ tổ chức Hội nghị tập huấn cấp tỉnh về công tác chuẩn hóa thông tin địa danh dân cư, sơn văn, thủy văn và địa danh các yếu tố kinh tế - xã hội thể hiện trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 tỉnh Đắk Nông.

Ông Lê Quy - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông quán triệt các nội dung tại buổi tập huấn

 

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo UBND và Phòng Nội vụ các huyện, thị xã; lãnh đạo UBND và công chức phụ trách công tác địa chính các xã, phường, thị trấn.

Tại hội nghị, chuyên gia về địa danh, bản đồ và ngôn ngữ cùng với Trung tâm Điều tra - Xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Trung tâm) đã phổ biến, quán triệt tới các đại biểu tham dự về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của công tác chuẩn hóa địa danh; đồng thời hướng dẫn một số nội dung cơ bản trong nghiệp vụ chuẩn hóa địa danh thể hiện trên bản đồ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quy - Phó Giám đốc Sở Nội Vụ nhấn mạnh: Hiện nay, trừ các địa danh hành chính đã được sử dụng thống nhất trong cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập các đơn vị hành chính thì việc sử dụng địa danh nói chung ở Việt Nam chưa có sự thống nhất. Sự không thống nhất này thể hiện qua cách viết địa danh (viết hoa/viết thường; viết liền/viết rời; có gạch nối/không có gạch nối; chính tả); cách sử dụng thuật ngữ địa lý giữa các cơ quan thông tin đại chúng (báo viết, báo nói, báo hình); giữa các cơ quan trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành; hoặc giữa cách thể hiện viết và nói...

Tình hình địa danh ở Việt Nam nói trên cho thấy vấn đề chuẩn hóa địa danh đối với nước ta là hết sức cần thiết bởi vì trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đều phải xem ti vi, đọc báo, nghe đài. Cùng nói về một địa danh nhưng các đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương và địa phương lại nói khác nhau, các báo viết khác nhau, khiến cho người dân không biết phải đọc, phải viết thế nào cho đúng; Học sinh lại phải đọc và viết địa danh theo sách giáo khoa và bản đồ giáo khoa không giống với các phương tiện thông tin đại chúng, không giống với các bản đồ địa hình, bản đồ chuyên đề do các Bộ, ngành liên quan xuất bản. Trong quá trình chuẩn hóa địa danh cũng cho thấy những hạn chế của chính tả Việt cũng như hệ thống chữ Quốc ngữ, khiến cho việc phiên chuyển địa danh quốc tế cũng như địa danh các dân tộc Việt Nam sang tiếng Việt gặp nhiều khó khăn và điều này sẽ đòi hỏi và thúc đẩy những cải cách cho tiếng Việt. Đồng thời, việc thống nhất tên gọi của địa danh như tên thôn, bản, tên sông, suối, di tích lịch sử... gắn liền với đời sống xã hội, còn mang ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý, văn bản hành chính, nâng cao bản sắc dân tộc và góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ đối với khu vực biên giới giáp với Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tập huấn
 

Mặt khác, nhận thấy rõ lợi ích của việc chuẩn hóa địa danh về mặt kinh tế cũng như thực tiễn đối với từng quốc gia và là sự khởi đầu cho việc chuẩn hóa địa danh quốc tế, Liên Hợp Quốc cũng đã ra Nghị quyết số 4 vào năm 1967 về vấn đề đề chuẩn hóa địa danh. Do vậy, chuẩn hóa địa danh cũng là việc cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về hội nhập và đáp ứng thông lệ Quốc tế. Xuất phát từ yêu cầu này, hiện nay, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang chủ trì việc thực hiện Đề án "Xây dựng Hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và Quốc tế phục vụ công tác lập bản đồ" do Bộ TN&MT phê duyệt tại Quyết định số 2754/QĐ-BTNMT ngày 28/12/2005. Theo đó, sản phẩm của Đề án sẽ là hệ thống thông tin địa danh Việt Nam và quốc tế trên nền tảng cơ sở dữ liệu địa danh. Các xuất phẩm cụ thể sẽ là các danh mục địa danh Việt Nam và Quốc tế dưới dạng giấy và số. Trong quá trình thực hiện, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã phối hợp với các địa phương, với các chuyên gia, nhà nghiên cứu để hoàn thiện Đề án. Cho đến nay, đã có 55 tỉnh, thành phố chuẩn hóa địa danh; 9 tỉnh, thành phố còn lại thực hiện trong năm 2018, bao gồm 4 tỉnh phía Nam đồng bằng Bắc Bộ và 5 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Nông.

Hiện nay, công tác chuẩn hóa địa danh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được đơn vị tư vấn thực hiện các bước thu thập các tài liệu và phối hợp với chuyên gia địa danh, ngôn ngữ để đối chiếu và chuẩn hóa địa danh theo đúng quy định kỹ thuật. Ngay sau hội nghị cấp tỉnh, công tác chuẩn hóa các địa danh sẽ được triển khai đến từng huyện và thị xã. Tại hội nghị, lãnh đạo, đại diện các địa phương đã cùng thảo luận, phương thức tổ chức, phối hợp với Trung tâm Điều tra – Xử lý dữ liệu đo đạc và bản đồ của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam trong triển khai công tác xác minh địa danh tại từng cấp và tiếp nhận bảng biểu thống kê các địa danh đã được chuẩn hóa của địa phương để nghiên cứu, triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Sam Nguyễn