THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Ngày 11/3, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với 5 tỉnh vùng Tây Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo các bộ, ngành; đại sứ, tham tán các nước và lãnh đạo 5 tỉnh vùng Tây Nguyên cùng đại diện gần 1.000 doanh nghiệp, các đơn vị chức năng tham dự hội nghị.
Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả phát triển kinh tế và thu hút đầu tư trong thời gian qua, cũng như giới thiệu tiềm năng, định hướng phát triển kinh tế, xã hội và thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng Tây Nguyên về cơ hội đầu tư và các dự án đầu tư cụ thể thuộc các ngành, lĩnh vực tại các địa phương trong vùng…
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng hiện tại cũng có nhiều "khoảng trống" trong xúc tiến, thu hút đầu tư. Nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào Tây Nguyên còn rất ít; chất lượng nguồn nhân lực thấp. Nguyên nhân một phần là do hạ tầng giao thông nội vùng còn yếu, chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Xây dựng, phát triển Tây Nguyên không chỉ là nhiệm vụ của các tỉnh trong khu vực mà là của cả nước và sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế. Tiềm năng, lợi thế là đã rõ nhưng vì sao vùng Tây Nguyên vẫn thuộc nhóm phát triển thấp trong 6 vùng phát triển của cả nước. Bên cạnh đó, gọi là "mái nhà Đông Dương" nhưng đây hiện vẫn là "vùng trũng" về giáo dục, thu hút đầu tư nguồn vốn nước ngoài… Đây thực sự là vấn đề mà các bộ, ngành, các tỉnh trong khu vực phải phân tích sâu và có hành động cụ thể, thiết thực. Vì thế, thời gian tới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần có chiến lược cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa theo hướng phát triển bền vững để đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Hội nghị cũng đã chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ giữa các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng về các gói cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên với gần 30.000 tỷ đồng; trong đó Đắk Nông có gói 3.000 tỷ đồng để đầu tư dự án phát triển cây mắc ca. Lãnh đạo các tỉnh cũng đã trao quyết định đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD. Trong đó, tỉnh Đắk Nông có 2 dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 390 tỷ đồng gồm: Dự án Nhà máy Chế biến nông sản tại xã Nâm N'Jang, Đắk Song (Đắk Nông) của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao với tổng vốn đầu tư hơn 253 tỷ đồng và Dự án trưng bày, bảo dưỡng ô tô của Công ty Cổ phần Trường Hải với tổng vốn đầu tư dự kiến 137 tỷ đồng. Theo Đăk Nông Online | ||||||||