THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

Đắk Song tập trung phòng chống cháy rừng những vùng trọng điểm
Ngày đăng 03/04/2017 | 14:48  | View count: 4800

Phân vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để đề ra kế hoạch, biện pháp sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), đó là cách làm của huyện Đắk Song (Đắk Nông).

 

Rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 đoạn qua xã Nâm N'Jang (Đắk Song) - một trong những "vùng trọng điểm dễ cháy" được huyện tập trung nguồn lực chủ động PCCC rừng

Toàn huyện Đắk Song có 30.508 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó có 24.292 ha diện tích rừng dễ cháy gồm 19.072 ha rừng tự nhiên, 2.456 ha rừng trồng, trảng cỏ và cây bụi. Vào mùa khô, khí hậu trên địa bàn huyện Đắk Song khắc nghiệt, đặc điểm rừng xuất hiện các vùng trọng điểm dễ cháy với nhiều diện tích rừng trồng, thông, keo, rừng tự nhiên hỗn giao (lồ ô, gỗ). Các diện tích này nằm dọc trên các tuyến quốc lộ 14, 14C, tỉnh lộ 6 do các xã Nâm N'Jang, Trường Xuân, Công ty TNHH MTV Đắk N'Tao và Ban quản lý rừng phòng hộ vành đai biên giới quản lý.

 

Để chủ động công tác PCCCR, vào đầu mùa khô, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp PCCC rừng; xây dựng phương án PCCCR cấp huyện và yêu cầu các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án PCCCR.

 

Ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, huyện xây dựng phương án chủ động phòng chống cháy rừng là chính. Chú trọng huy động lực lượng khi có tình huống cháy rừng xảy ra, không để cháy lan trên diện rộng. Yêu cầu các đơn vị chủ rừng xây dựng đường băng cản lửa vào đầu mùa khô, đồng thời thực hiện phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại nếu có cháy rừng xảy ra.

 

Dựa vào đặc điểm rừng địa phương, phương án PCCCR chia địa bàn huyện thành 3 vùng, mỗi vùng từ 6 - 7 đơn vị đảm nhận với khoảng 100 người gồm ban lâm nghiệp xã, dân quân tự vệ xã, lực lượng kiểm lâm, công an, các đơn vị chủ rừng. Mỗi ban lâm nghiệp địa phương, chủ rừng, đội PCCCR của các công ty chủ động trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy để sẵn sàng tham gia khi có cháy rừng xảy ra. Bên cạnh đó, địa phương huy động lực lượng, trang thiết bị trong dân khi có cháy rừng.

 

Hằng năm, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song chủ động lập kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng đóng trên địa bàn, người dân tham gia trồng rừng, đang canh tác nương rẫy khu vực lân cận để mở các đợt tuyên truyền tập trung, với các hình thức như: tập huấn, hội nghị, họp dân, áp phích, tờ rơi, biển báo... Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng cần tuyên truyền nhằm giúp cho mọi đối tượng.

 

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song cho biết: "Trong công tác PCCCR, Hạt luôn quán triệt phương châm "phòng là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương, kịp thời, triệt để và an toàn" với nguyên tắc "4 sẵn sàng" (sẵn sàng lực lượng, sẵn sàng phương tiện, sẵn sàng hậu cần, sẵn sàng chỉ huy). Hạt và các chủ rừng đã và đang chủ động các phương án, tập trung vào vùng trọng điểm dễ cháy để phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra cháy rừng".

Theo Đăk Nông Online