THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Từ ngày 26-30/9/2016, Hội nghị Công viên Địa chất Toàn cầu lần thứ 7, tổ chức tại Torquay - Vương Quốc Anh. Cổng Thông tin điện tử đăng tải bài phát biểu của Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, Trưởng Đoàn Công viên Địa chất Krông Nô, Việt Nam tại Hội nghị này.
Kính thưa các quý Bà, quý Ông!
Trước tiên, tôi xin bày tỏ niềm vinh dự được thay mặt chính quyền và nhân dân tỉnh Đăk Nông, Đoàn Công viên Địa chất Krông Nô của Việt Nam và nhân danh cá nhân, xin gửi tới Ban tổ chức Hội nghị Công viên Địa chất Toàn cầu lần thứ bảy, cùng tất cả các quý vị đại biểu tham dự Hội nghị lời chào mừng nồng nhiệt nhất! Xin trân trọng cám ơn Ban tổ chức Hội nghị, đặc biệt là ông David Randall - Trưởng Ban tổ chức Hội nghị, cám ơn nước chủ nhà Vương Quốc Anh và Công viên Địa chất Toàn cầu Riviera tươi đẹp và mến khách đã tạo những điều kiện tốt nhất cho tất cả các thành viên tham dự Hội nghị. Kính chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Kính thưa các quý vị!
Theo Học thuyết Kiến tạo Mảng, Việt Nam là nơi tiếp giáp giữa Mảng Thái Bình Dương và Mảng Âu - Á, là nơi vỏ trái đất đã trải qua lịch sử phát triển địa chất rất lâu dài và vô cùng phức tạp. Do vậy, đã sản sinh ra những di sản tự nhiên, di sản địa chất rất độc đáo và có giá trị cả về khoa học và thẩm mỹ. Ba di sản thiên nhiên thế giới đã vinh dự được UNESCO công nhận, bao gồm: Vịnh Hạ Long, Phong Nha — Kẻ Bàng và Khu Danh thắng Tràng An là những minh chứng sinh động nhất về kho tàng di sản thiên nhiên quý giá của đất nước chúng tôi.
Trong những thập niên gần đây, bên cạnh xu hướng khai thác nguồn tài nguyên địa chất truyền thống, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng công tác bảo tồn và khai thác các di sản thiên nhiên, di sản địa chất và di sản văn hóa, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội, trong đó việc xây dựng và phát triển công viên địa chất được coi là mô hình tối ưu, phù hợp với xu hướng tất yếu toàn cầu.
Việt Nam có tiềm năng lớn về các di sản thiên nhiên, di sản địa chất và di sản văn hóa. Tuy nhiên, tính đến nay, trên thế giới, Việt Nam mới chỉ được biết đến với đại diện duy nhất là Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang ở cực Bắc đất nước, đã được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu năm 2010 nhờ các giá trị di sản tự nhiên, di sản địa chất và di sản văn hóa tiêu biểu cho một vùng núi đá vôi.
Có mặt tại Hội nghị Công viên Địa chất Toàn cầu lần thứ 7 này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô, được thành lập vào ngày 4/2/2016, với những giá trị di sản địa chất có ý nghĩa và vô cùng độc đáo, kết quả của hoạt động phun trào núi lửa ở khu vực Tây Nguyên. Vùng đất basalt bao la màu mỡ của Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô không những là quê hương của những thương hiệu nông sản nổi tiếng thế giới như cà phê, điều, tiêu, trái cây..., mà còn là một phần của "Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên — Kiệt tác Văn hóa Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại' đã được UNESCO công nhận năm 2005 và cũng chính là mảnh đất đầy sức cuốn hút bởi nền văn hóa đa dạng của 40 dân tộc cư trú nơi đây.
Tại Hội nghị quan trọng này, thay mặt chính quyền và nhân dân địa phương, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực thực thi những biện pháp hiệu quả để xây dựng Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô đạt được 3 mục tiêu của công viên địa chất là bảo tồn di sản, nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển bền vững kinh tế xã hội ở khu vực KVG, tỉnh Đắk Nông, Tây Nguyên cũng như ở Việt Nam nói chung.
Cũng nhân dịp này, chúng tôi bày tỏ nguyện vọng sẽ nhận được sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của UNESCO, GGN, EGN, APGN, các nhà khoa học, các nhà quản lý, đặc biệt là các công viên địa chất núi lửa từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác trên thế giới, để xây dựng Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô trở thành công viên địa chất tầm cỡ khu vực và quốc tế, góp phần tôn vinh và gìn giữ các di sản tự nhiên và văn hóa quý giá cho các thế hệ mai sau.
Xin cám ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị.