THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
- Chính phủ ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 17/3/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Chương trình đặt ra các mục tiêu về bảo đảm đạt tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19; tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch COVID-19; giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á...
Chương trình cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về bao phủ vaccine phòng COVID-19, tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam, bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người làm công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội…
- Từng bước "bình thường hóa" với dịch COVID-19
Thông báo số 73/TB-VPCP ngày 15/3/2022 nêu: Trong thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo; thuận lợi, thời cơ ít hơn khó khăn và thách thức, đòi hỏi các ngành, các cấp tiếp tục đề cao cảnh giác tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải luôn bám sát tình hình, thực tiễn để chủ động có biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bảo đảm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, từng bước "bình thường hóa" với dịch bệnh COVID-19.
- Tăng cường chống buôn lậu sinh phẩm, vật tư phòng, chống COVID-19
Tại Công văn số 1669/VPCP-V.I ngày 17/3/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định, bảo đảm thực hiện kiểm soát chặt chẽ chất lượng, ổn định giá và nguồn cung đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế (trong đó có các loại kit xét nghiệm COVID-19, máy đo SpO2) và thuốc phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong điều kiện thích ứng với tình hình mới.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cắt giảm ngay thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19
Tại văn bản 1345/VPCP-KGVX ngày 2/3/2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan đến việc mua thuốc phòng, chống COVID-19; tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19.
- Thủ tướng Chính phủ đôn đốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH
Ngày 16/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 252/CĐ-TTg đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Công điện yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (Nghị quyết số 11/NQ-CP), Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022; đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
- Phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực biên giới đất liền
Một trong các mục tiêu của Nghị quyết số 23/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 2/3/2022 về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền chính là phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe của nhân dân.
- 5 trường hợp dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu
Ngày 7/3/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong 5 trường hợp sau: 1. Việc xử lý là cần thiết để ứng phó với tình huống khẩn cấp đe dọa đến tính mạng, sức khỏe hoặc sự an toàn của chủ thể dữ liệu hoặc cá nhân khác. Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Xử lý dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này. 2. Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật. 3. Việc xử lý là cần thiết vì yêu cầu quốc phòng, an ninh quốc gia, được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật khác. 4. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của luật. 5. Dữ liệu cá nhân được xử lý bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với mục đích phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước theo quy định của luật.
- Miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam cho công dân 13 nước
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 miễn thị thực cho công dân 13 nước: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân các nước nêu trên được thực hiện trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 15/3/2022 đến hết ngày 14/3/2025 và sẽ được xem xét gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe
Tại Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/3/2022 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 năm 2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, thống nhất về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp; không quy định về tổ chức bộ máy trong các dự án luật; chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
- Quy định chi tiết về mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba trong xây dựng
Chính phủ ban hành Nghị định 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13/11/2015 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Nghị định 20/2022/NĐ-CP bổ sung quy định về mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) đối với bên thứ ba.
Cụ thể, về đối tượng phải mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm bắt buộc TNDS đối với bên thứ ba.
- Thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi nội dung phim vi phạm quy định cấm
Theo Nghị định số 22/2022/NĐ-CP ngày 25/3/3022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, cơ quan cấp phép nhập khẩu phim thu hồi Giấy phép nhập khẩu phim khi phát hiện nội dung phim vi phạm quy định cấm tại Luật Điện ảnh.
- Phê duyệt danh sách 74 huyện nghèo, 54 xã đặc biệt khó khăn
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt Danh sách 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc 12 tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
- Ban hành các Bộ tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
* Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có 19 tiêu chí. Cụ thể, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (1- Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (2- Giao thông; 3- Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4- Điện; 5- Trường học; 6- Cơ sở vật chất văn hóa; 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8- Thông tin và truyền thông; 9- Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (10- Thu nhập; 11- Nghèo đa chiều; 12- Lao động; 13- Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn); nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí (14- Giáo dục và Đào tạo; 15- Y tế; 16- Văn hóa; 17- Môi trường và an toàn thực phẩm; 18- Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19- Quốc phòng và an ninh).
319/QĐ-TTg * Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định 360/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.
* Tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 nêu rõ:
Một trong các tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là tỉ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỉ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên).
* Quyết định 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, điều kiện để tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là: có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; có ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên...
- Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp Nhà nước
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 5/2022/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025". Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp Nhà nước. Bảo đảm nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
- Tăng mức cho vay học sinh, sinh viên
Tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, có hiệu lực từ ngày 19/5/2022, tăng mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) từ 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV.
- Phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030: Giảm bội chi, tăng dự trữ quốc gia
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 65/TB-VPCP ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030.
Trong đó, giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước; quản lý nợ công chặt chẽ, bảo đảm an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Cụ thể, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách Nhà nước để đạt được chỉ tiêu bội chi ngân sách trong Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021 - 2025 bình quân khoảng 3,7% GDP; đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước để sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả trong các tình huống đột xuất, cấp bách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
- Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 phê duyệt Đề án "Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập".
Theo đó, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các quy định khác liên quan để góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
- Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động
Ngày 28/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng/người/tháng và 1.000.000 đồng/người/tháng.
- Giám sát chặt chẽ thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán
Ngày 30/3/2022, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế, các dòng vốn ra và vào thị trường để chủ động có giải pháp điều hành, giám sát thị trường chứng khoán phù hợp, kịp thời, sát với tình hình, bảo đảm an toàn, minh bạch, ổn định thị trường chứng khoán, không để xảy ra rủi ro, mất an toàn. Chủ động công bố thông tin và thực hiện các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư trong và ngoài nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.
Đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách và hoàn thiện khung khổ pháp lý liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán để có chế tài xử lý mạnh mẽ, có tác dụng răn đe, bảo đảm minh bạch và lành mạnh của thị trường chứng khoán.
- Tăng cường giám sát thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai thông tin về giá
Tại Thông báo số 1560/VPCP-KGVX ngày 2/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
- Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giới
Tại Công văn số 1808/VPCP-KTTH ngày 23/3/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
- Phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia…
- Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số
Ngày 31/3/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra 17 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện.
- Nhân rộng các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 387/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030".
Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập", 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập"…
- Đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới
Tại văn bản 19/2022/NĐ-CP ngày 12/3/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới; khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, trên tinh thần "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".
Theo chinhphu.vn