THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chương trình đặt mục tiêu 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030.
Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025, 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm đạt 70% năm 2025, 90% năm 2030.
100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025, 100% năm 2030...
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đưa ra nhiệm vụ và giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đồng thời, củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các tuyến: Bệnh viện Lão khoa Trung ương, các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế cấp xã; cơ sở chăm sóc sức khỏe; cán bộ dân số và tình nguyện viên ở cơ sở; đưa nội dung lão khoa vào chương trình đào tạo cho sinh viên đại học và sau đại học trong hệ thống các trường y trên cả nước.
Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và từng bước tăng mức đầu tư. Đảm bảo đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện Chương trình.
Chương trình triển khai trên toàn quốc. Tập trung tại các tỉnh, thành phố và địa bàn có tỷ lệ người cao tuổi cao hơn bình quân chung của cả nước; vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực, phương tiện để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên phạm vi toàn quốc; tổ chức kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình.
Theo chinhphu.vn