THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm 2017 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân hai tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,12%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng và 3 nhóm giảm. Trong đó, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,77%, giao thông tăng 0,56%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,22%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%. Có 3 nhóm giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,07%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,05%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,01%. Nhóm giáo dục ổn định.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê lý giải, CPI tháng 2/2017 tăng chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng tăng mạnh trong tháng Tết, ngày rằm tháng Giêng và tại các địa phương diễn ra nhiều lễ hội.
Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng, bao gồm chi phí tiền lương của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ở khu vực thành thị tỉnh An Giang làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế cả nước tăng 0,27% so với tháng trước.
Sau hai đợt điều chỉnh, giá xăng dầu tăng làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,19% so với tháng trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,05%. Nhu cầu đi lại tăng cùng với giá xăng dầu tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,5% so tháng trước. Ngoài ra, việc ngành đường sắt áp dụng tăng giá chiều đông khách 20% và giảm giá 16% chiều vắng khách nên chỉ số giá nhóm hàng vé tàu hỏa tăng 2,57% so với tháng trước.
Ở chiều ngược lại, giá thịt lợn giảm 1,49% do nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch bị hạn chế; giá rau tươi giảm 4,13% do sản lượng dồi dào; nhu cầu mua sắm quần áo giảm… là những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 2.
Trong tháng 2, giá vàng biến động mạnh trong khi tỉ giá VNĐ/USD gần như ổn định. Cụ thể, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, bình quân dao động quanh mức 3.690.000 đ/chỉ vàng SJC. Giá vàng liên tục tăng bất chấp tin đồn về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tăng lãi suất. Ngoài ra, giá vàng trong nước tăng giá do trong tháng có ngày Thần Tài nên nhu cầu người dân mua vàng tăng.
Mặc dù, đồng USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh hơn so với các đồng tiền khác do khả năng tăng lãi suất sớm của FED, diễn biến tỷ giá trong nước khá ổn định do lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào cùng với nhu cầu về ngoại tệ đầu năm của doanh nghiệp không cao. Do đó, tỷ giá VNĐ/USD tháng này gần như ổn định, xoay quanh 22.800 VNĐ/USD.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2/2017 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 1,51% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ năm trước tăng 1,69%.
Trong tháng 2/2017, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Lạm phát cơ bản tháng 2/2017 so cùng kỳ ở mức dưới 2% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.
Về chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2017, Tổng cục Thống kê dự báo sẽ tăng cao hơn ở mức tăng CPI tháng 2/2017 do giá xăng, dầu biến động theo giá thế giới tác động vào CPI; giá dịch vụ y tế có thể tăng tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình Thông tư 37 cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Theo chinhphu.vn