THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Ngày đăng 26/12/2018 | 20:53  | View count: 10046

Chiều 26/12/2018, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 2/8/2013 của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Các đồng chí: Ngô Thanh Danh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Ngô Thanh Danh khẳng định: Cùng với giáo dục và đào tạo, phát triển KH&CN đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh. Xuyên suốt lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, KH&CN luôn có vai trò quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 02/8/2013 về phát triển KH&CN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về KH&CN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương. Qua 5 năm, trong điều kiện khó khăn của tỉnh nhưng các nội dung của Nghị quyết được triển khai thực hiện nghiêm túc và từng bước đi vào cuộc sống, nhận thức của đội ngũ cán bộ và người dân về khoa học công nghệ đã có những chuyển biến tích cực.

Theo đó, cùng với đánh giá những kết quả đạt được, tại Hội nghị này, đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị các đại biểu cần nghiêm túc nhìn nhận, đi sâu phân tích những mặt còn hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp; quá trình đầu tư, hợp tác tăng cường tiềm lực KH&CN, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đồng chí Phạm Ngọc Danh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trình bày báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU 

Theo báo cáo tại Hội nghị, ngay sau khi Nghị quyết 12-NQ/TU của Tỉnh uỷ được ban hành và tổ chức quán triệt tới đội ngũ cán bộ chủ chốt trong toàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình số 2671/CTr-UBND ngày 11/6/2015 về triển khai thực hiện Nghị quyết với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và cách thức tổ chức thực hiện để đưa tinh thần của Nghị quyết vào cuộc sống. Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, KH&CN của tỉnh đã có bước phát triển mới, đóng góp phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế. Các Sở, ngành, địa phương đã bám sát tinh thần Nghị quyết, Chương trình số 2671/CTr-UBND của UBND tỉnh để triển khai và đạt được những kết quả nhất định.

Thông qua việc học tập, quán triệt Nghị quyết, nhận thức của đội ngũ cán bộ, người dân đã có những thay đổi rõ nét, thấy được tầm quan trọng của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng và cả nước nói chung trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính về KH&CN từng bước đổi mới, đi vào nề nếp, phù hợp với đặc thù của ngành, tạo thuận lợi cho các đơn vị chủ trì thực hiện. Tiềm lực KH&CN ngày càng được quan tâm, đầu tư về cả nhân lực, máy móc trang thiết bị, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống của người dân. Thị trường KH&CN từng bước hội nhập, là cơ hội để doanh nghiệp, người dân có điều kiện tiếp xúc, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có những chuyển biến tích cực, các nhiệm vụ nghiên cứu có trọng tâm, bám sát thực tiễn của địa phương.

Giai đoạn 2013 - 2018, công tác nghiên cứu KH&CN được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực. Trong 5 năm qua đã có 20 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được triển khai, tập trung vào các vấn đề như: Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc Đắk Nông, quản lý kinh tế - xã hội, phát triển du lịch - thương mại. Lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ có 28 nhiệm vụ khoa học được triển khai, trong đó có 11 nhiệm vụ cấp nhà nước thuộc chương trình nông thôn miền núi và 17 nhiệm vụ cấp tỉnh. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu hướng tới hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với thế mạnh của một tỉnh được thiên nhiên ưu đãi để phát triển nông, lâm nghiệp, thời gian qua công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN, giống mới, biện pháp canh tác theo chiều sâu vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững được quan tâm đầu tư như: "Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp tại tỉnh Đắk Nông""Nghiên cứu xây dựng quy trình phòng chống bệnh virus và mô hình sản xuất tiên tiến trên cây chanh dây ở Đắk Nông"; "Nghiên cứu ứng dụng một số giải pháp khoa học, tổng hợp để tái canh sớm cây cà phê tại Đắk Nông"... Đặc biệt, cùng với xu thế chung của cả nước trong trong định hướng phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, một số nghiên cứu đã đi sâu vào ứng dụng công nghệ như: "Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh""Hoàn thiện quy trình sản xuất piperin và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng"... Trong chăn nuôi, việc nghiên cứu đưa các giống vật nuôi mới vào sản xuất nhằm đem lại giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường được quan tâm, với một số đề tài như: "Nghiên cứu ứng dụng một số hóc môn sinh sản và xây dựng công thức lai tạo để nâng cao chất lượng dàn bò trên địa bàn tỉnh Đắk Nông"; "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại tỉnh Đắk Nông"...

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phong trào ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân dân ngày càng rộng rãi, tạo bước đột phá trong sản xuất; trong đó, nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ được các doanh nghiệp, người dân mạnh dạn thực hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài lĩnh vực nông, lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, KH&CN cũng được ứng dụng rộng rãi trên các lĩnh vực như: Y tế; giáo dục và đào tạo; bảo vệ môi trường; công thương… Bên cạnh đó, hoạt động liên kết hợp tác về KH&CN cũng được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực nhằm tăng cường tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ công nghệ vào công tác quản lý chuyên môn, đời sống tại địa phương.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm khắc phục trong thời gian tới, đó là: Công tác tổ chức quán triệt nghị quyết ở một số nơi chưa sâu rộng, còn mang tính hình thức; việc đặt hàng nhiệm vụ KH&CN từ các Sở, ngành, địa phương chưa được quan tâm; vấn đề liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp còn hạn chế, nhỏ lẻ; tiềm lực KH&CN của địa phương trên các lĩnh vực còn thiếu, không đồng bộ, chưa đáp ứng được xu thế hội nhập hiện nay; kết quả nghiên cứu KHCN chậm áp dụng vào thực tiễn...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng nhấn mạnh: Với một tỉnh có xuất phát điểm về kinh tế và trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước như Đắk Nông thì để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, việc đầu tư phát triển và ứng dụng KH&CN là cần thiết. Do vậy, sau Hội nghị này các cấp, các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với nhiệm vụ phát triển KH&CN, góp phần nâng cao vai trò của KH&CN trong đời sống. Theo đó, cùng với nâng cao nhận thức, các cơ chế quản lý, chính sách tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, nhất là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị nghiên cứu. Trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN phải hướng vào trọng tâm là phục vụ nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng phát triển các giống mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến, mô hình trình diễn, với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, có lợi thế cạnh tranh của địa phương, gắn với phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần chú trọng, tăng cường công tác phổ biến thông tin về các thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học để người dân nắm bắt kịp thời và áp dụng vào sản xuất kinh doanh…

Sam Nguyễn