DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đắk Nông tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, từng bước xây dựng chính quyền điện tử
Ngày đăng 06/05/2020 | 16:02  | View count: 168542

Với sự tác động của quá trình chuyển đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tài chính..., nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính ngày càng triệt để. Việc áp dụng công nghệ số đã làm làm gia tăng giao dịch điện tử trong những năm qua, giúp tạo ra việc làm và cải thiện mức sống cho người dân trên một số ngành, nghề như lái xe công nghệ, kinh doanh trực tuyến… Sự phát triển nhanh chóng của Internet cũng giúp thúc đẩy và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2005 - 2020, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai phát triển công nghệ thông tin nói chung và giao dịch điện tử nói riêng trên nhiều lĩnh vực nhằm xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa hành chính. Với sự quyết tâm thực hiện, tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như:

Cổng thông tin điện tử của tỉnh cùng các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã bám sát định hướng của tỉnh, cập nhật thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn. Cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, Công báo điện tử của UBND tỉnh cũng được cập nhật chính xác và kịp thời trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, công dân.

Tình hình giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh có nhiều tiến bộ qua từng năm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng hiệu quả, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giúp cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông của tỉnh (dichvucong.daknong.gov.vn) chính thức vận hành từ tháng 01/2018, tích hợp với ứng dụng Zalo để thông báo tình trạng xử lý hồ sơ, thông tin tuyên truyền, qua đó, thu hút được hơn 24.240 người quan tâm, trung bình có khoảng 1.500 lượt tương tác mỗi tháng. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 có xu hướng ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, Sàn thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông (daknongtrade.com) đã được xây dựng và vận hành. UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương hỗ trợ cho 22 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng các website điện tử và đăng ký làm thành viên, tham gia vào Cổng thương mại điện tử quốc gia và Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam.

Đối với việc triển khai giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh, UBND tỉnh đã chủ trương sử dụng thống nhất phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã từ tháng 01/2017, kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia để phục vụ gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp. Đến Quý I năm 2020, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện trao đổi văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Tỷ lệ văn bản (trừ văn bản thuộc bí mật nhà nước) trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt khoảng 90%, khoảng 10% văn bản trao đổi dưới dạng điện tử song song với văn bản giấy.

100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ của tỉnh để trao đổi thông tin trên môi trường mạng. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ đạt khoảng 92%.

Theo kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông năm 2019 (VietNam ICT Index 2019), tỉnh Đắk Nông xếp hạng thứ 48 với 0,3039 điểm, tăng 2 bậc so với 2018 và tăng 1 bậc so với 2017.

Cùng với những cơ hội mang lại, những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới cơ quan nhà nước, ngành ngân hàng, các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử khiến các rủi ro như lừa đảo, mất an toàn thông tin... trong giao dịch điện tử ngày càng trở nên lớn hơn, do sự kết nối mở, liên tục, đa chiều, phức tạp. Thiệt hại liên quan đến lĩnh vực này cũng tăng theo cấp số nhân.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra tình hình đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ bí mật nhà nước của các đơn vị, địa phương. Năm 2019, tỉnh Đắk Nông triển khai phần mềm phòng chống mã độc tập trung để giám sát, cảnh báo sớm các nguy cơ tấn công, lỗ hổng bảo mật cho các thiết bị tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh và đã thực hiện kết nối với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Nông cũng đã triển khai quy chế an toàn, bảo mật thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Đắk Nông cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong tăng cường giao dịch điện tử, xây dựng chính quyền điện tử như: Hệ thống cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đã xuống cấp, chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời; Kinh phí của địa phương dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động thương mại điện tử còn hạn chế nên còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện; Các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai thương mại điện tử; Người dân còn tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông, sự đồng thuận và tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, xây dựng thành công chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới./.

Tân Khương