DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Cách mạng tháng Tám thành công đã đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới độc lập - tự do - hạnh phúc và chủ nghĩa xã hội cho đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch và phản động luôn tìm cách tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận thành quả Cách mạng tháng Tám của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch và phản động cho rằng "Cách mạng tháng Tám thành công là một sự ăn may" hay "có khoảng trống quyền lực trong Cách mạng Tháng Tám"… Thông qua luận điệu đó, chúng muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Thế nhưng, chính nghĩa và sự thật lịch sử đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, không dựa trên bất cứ căn cứ, cơ sở khoa học nào của chúng.
Thành quả Cách mạng tháng Tám không phải tự trên trời rơi xuống. Để Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi, ngay từ năm 1939, Đảng ta đã nhận định chính xác tình hình thế giới và trong nước, tương quan lực lượng cách mạng. Đặc biệt, Đảng đã có quá trình chuẩn bị trực tiếp mọi mặt về đường lối chính trị, căn cứ địa và lực lượng cách mạng... Khi thời cơ đến, Đảng có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, trong đó giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu thông qua tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Thời gian gần đây, trên internet xuất hiện một số ý kiến xuyên tạc bản chất và giá trị của Cách mạng tháng Tám, xuyên tạc và phủ nhận lịch sử, phủ nhận những thành quả cách mạng của nhân dân ta. Họ tiếp tục luận điệu đã cũ rích rằng, Cách mạng tháng Tám là "việc không nên làm", nhân dân không cần phải làm cách mạng vì khi đó đã có chính phủ dân tộc rồi. Theo họ, "khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim".
Vậy bản chất, vị trí lịch sử của cái gọi là "Chính phủ Trần Trọng Kim" ra sao? Chính phủ Trần Trọng Kim ra đời khi bộ máy hành chính thực dân Pháp mà Nhật muốn kế thừa đã tan rã. Ngày 30/3/1945, Nhật đưa Trần Trọng Kim từ Thái Lan về Sài Gòn, và sau đó đưa ra Huế để thành lập chính phủ vào ngày 17/4/1945. Như vậy, chính phủ Trần Trọng Kim thực tế khi đó vẫn nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương. Nếu nói rằng, "Khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim" thì những kẻ xuyên tạc cũng đã tự khẳng định chính quyền ấy là chính quyền tay sai. Điều đó cũng có nghĩa là, cái gọi là nền "độc lập" của đất nước được trao trả cho chính quyền này là nền "độc lập" giả hiệu dưới sự bảo hộ mới của thế lực bên ngoài.
Trên thực tế, chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một chính phủ bù nhìn do phát xít Nhật lập ra. Vì thế, Trần Trọng Kim và chính phủ của ông ta đã tự đặt mình vào thế đối lập với xu thế phát triển của lịch sử dân tộc và xu thế thời đại bấy giờ. Do vậy, chính phủ bù nhìn ấy đã bất lực trước các nhiệm vụ tự nó đặt ra, và vì thế sau đó nó đã nhanh chóng sụp đổ như là một điều tất yếu. Lập luận rằng, chính phủ Trần Trọng Kim "được Nhật trao độc lập" thực chất chỉ là một trò hề. Một chính phủ như thế làm sao có thể biểu tượng cho ý chí và khát vọng giải phóng dân tộc của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Luận điệu Cách mạng tháng Tám là "việc không nên làm" với ý đồ nhằm làm méo mó bản chất, tính chất và phủ nhận ý nghĩa, giá trị của Cách mạng tháng Tám. Qua đó, các thế lực thù địch đã cố tình lập lờ, đánh tráo bản chất, tính chất giữa một cuộc cách mạng của nhân dân với một "chính phủ tay sai bản xứ" cho ngoại bang; giữa một cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, giành quyền lực cho nhân dân với chính quyền muốn xây dựng "cơ đồ nước Việt Nam" mà lại dựa trên "lòng thành thực của nước Đại Nhật Bản".
Cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khác hẳn về bản chất của sự "giải phóng" do "Đại Nhật Bản đã giải phóng". Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Cách mạng tháng Tám là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với tinh thần "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Thực tiễn lịch sử cho thấy, ngay khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng lực lượng Đồng minh, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy đây là thời cơ có một không hai. Với quyết tâm "dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập!", ngay sau đó, ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh khởi nghĩa. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và giành thắng lợi hoàn toàn chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng. | |
Theo Đắk Nông Online