DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội thảo tour, tuyến gắn với Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các đơn vị kinh doanh du lịch trên cả nước về tham dự. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, muốn khai thác tour, tuyến du lịch CVĐC Đắk Nông thì phải dựa vào đặc thù vốn có.
Chuyên gia UNESCO tham quan làng nghề đan lát M'nông tại bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong) |
Vùng đất tiềm năng
Nằm ở phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên phong phú, thắng cảnh hùng vĩ như hồ Ea Snô, hồ Tây, hồ Doãn Văn, thác Lưu Ly, thác Đray Sáp-Gia Long, thác Đắk G'lun… Vườn Quốc gia Tà Đùng với hệ sinh thái, động thực vật đa dạng và có nhiều ốc đảo lớn nhỏ.
Đặc biệt, CVĐC Đắk Nông đã được UNESCO chính thức chấp thuận là CVĐC toàn cầu, mở ra một hướng đi mới hứa hẹn cho sự phát triển của ngành du lịch địa chất. Hơn 15 năm qua, dưới sự nỗ lực, vào cuộc của chính quyền các cấp, hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 7 khu, điểm du lịch có chủ trương đầu tư phát triển du lịch; 204 cơ sở lưu trú (22 khách sạn và 182 nhà nghỉ); 30 nhà hàng phục vụ các món ăn địa phương và các đặc sản vùng miền.
Trên cơ sở đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án du lịch. Tỉnh cũng phát huy các nguồn lực trong xã hội để phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch. Các thủ tục hành chính, giải quyết yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực du lịch được quy định đầy đủ, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thẩm định, xếp hạng chất lượng lưu trú, góp phần nâng cao chất lượng kinh doanh du lịch. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân du khách đạt 9,15%/năm và doanh thu du lịch tăng 10,4% năm.
Còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng ngành du lịch của tỉnh Đắk Nông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Theo ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay công tác thu hút đầu tư phát triển khu, điểm du lịch còn khó khăn. Mặc dù tỉnh đã tạo mọi điều kiện và ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ đầu tư vào các dự án du lịch nhưng vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư. Một số dự án bị thu hồi do nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính để triển khai. Nhiều địa danh có tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch nhà vườn nhưng người dân cũng như doanh nghiệp chưa tích cực tham gia hưởng ứng. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế nên chưa thể tham gia nhiều hoạt động quảng bá mang tính quốc gia…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng khẳng định: So với các tỉnh trong khu vực, số du khách đến với Đắk Nông vẫn còn hạn chế. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thiếu các khu, điểm du lịch có quy mô, chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt để thu hút và giữ chân khách du lịch. Một trong những khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh rất ít nên chậm hình thành sản phẩm du lịch, dịch vụ, ảnh hưởng đến việc thu hút du khách. Khách đến Đắk Nông tuy hàng năm có tăng trưởng, nhưng số lượng còn ít, nhất là lượng khách đến rồi quay lại lần thứ hai, thứ ba rất ít. Hầu như khách đến tham quan là khách công vụ, lưu trú ngắn ngày, chi tiêu ít.
Để kết nối với các tour du lịch và hình thành điểm đến hấp dẫn, Đắk Nông cần chú trọng bảo tồn, gìn giữ các thắng cảnh tự nhiên cũng như các di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc bản địa |
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Theo các chuyên gia, để kết nối với các tour du lịch và hình thành một điểm đến hấp dẫn, Đắk Nông cần chú trọng bảo tồn, gìn giữ các thắng cảnh tự nhiên cũng như các di sản văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc bản địa. Tỉnh cũng cần hoàn thiện hệ thống kết nối giữa các điểm du lịch cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch một cách trọng tâm, trọng điểm.
Ông Lê Thanh Long, đại diện Công ty Du lịch Long An (Long An) cho biết: Khi chúng tôi chào tour Đắk Nông - Long An, nhiều du khách không có ấn tượng gì mặc dù Đắk Nông đã mở ra nhiều dịch vụ gắn với các điểm du lịch. Chúng tôi cũng đã dẫn đoàn đi tour ở Đắk Nông nhưng ngoài cung đường để đến Tà Đùng, hiện du khách muốn nghỉ lại chưa có dịch vụ tương xứng. Khi làm những sản phẩm này, công ty chỉ liên hệ các quán nhỏ, đặt được số lượng khách rất ít. Đường đi vào những điểm du lịch còn bất cập. Muốn khai thác được tiềm năng du lịch, Đắk Nông cần phải xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch đầy đủ.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Trường Đại học Khoa học-xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Để du khách cảm nhận trọn vẹn giá trị tự nhiên hoặc nhân văn, Đắk Nông cần phải xây dựng bộ tư liệu thuyết minh và nâng cao nghiệp vụ thuyết minh tại điểm du lịch. Bởi, các câu chuyện kể về giá trị của điểm đến tham quan du lịch tại Đắk Nông chưa được đầu tư theo hướng chuyển tải các giá trị tài nguyên địa phương vào các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, sản phẩm du lịch giàu tài nguyên nhân văn còn cần được bổ sung các sản phẩm du lịch cộng đồng…
TS Ngô Thanh Loan cũng nhận định: Đắk Nông cần xây dựng cho mình các sản phẩm du lịch đặc thù và phải đạt các mục tiêu kép là khai thác hợp lý các tiềm năng để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đắk Nông cần đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng ứng xử trong giao tiếp với du khách nước ngoài… cho đội ngũ làm du lịch.
Theo Báo Đắk Nông điện tử