DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Trước tình trạng dịch bệnh trên cây hồ tiêu tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã chủ động chuyển đổi cây trồng thay thế phù hợp, không để hoang phí đất đai.
Hai giống đậu nành của Vinasoy được bảo hộ đều được phát triển từ giống bản địa của huyện Cư Jút. Ảnh tư liệu |
Có gần 1 ha đất tại thôn 8, xã Đắk Wil, gia đình anh Phạm Doãn Kiên chọn hồ tiêu làm cây trồng để phát triển kinh tế. Thế nhưng, do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, nên cây tiêu sinh trưởng, phát triển chậm. Đến giữa năm 2018, nhiều cây tiêu bắt đầu xuất hiện tình trạng ủ rũ, dây héo. Một thời gian sau, lá cây tiêu bắt đầu chuyển sang màu vàng và rụng, chỉ còn trơ trọi cành. Sau đó, cây tiêu chết nhanh chỉ trong vòng vài tuần lễ.
Gia đình anh Kiên cũng không quan tâm đến việc "cứu" vườn tiêu vì giá cả hồ tiêu xuống thấp. Thay vào đó, anh Kiên quyết định chọn cây ăn quả thay thế. Sau khi nhổ bỏ toàn bộ vườn tiêu, anh xuống giống trồng quýt. Qua theo dõi, cây quýt tỏ ra phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Sau hơn 1 năm xuống giống, loại cây này sinh trưởng tốt và kì vọng sẽ mang lại nguồn thu nhập chủ lực cho gia đình.
Hộ anh Nguyễn Văn Thuận, cùng thôn 8, cũng chuyển đổi hơn 2 ha cây tiêu sang trồng xoài Đài Loan. Theo anh Thuận, trước tình trạng tiêu xuống giá quá thấp, những nông dân trồng tiêu như gia đình anh buộc phải chuyển đổi cây trồng. Nhiều hộ dân trong thôn lựa chọn cây hoa màu để nhanh chóng có thu nhập. Tuy nhiên, gia đình anh chọn cây ăn quả vì điều kiện tự nhiên ở địa phương phù hợp và giá cả thời gian gần đây ổn định hơn.
Nhiều người dân xã Đắk Wil (Cư Jút) chủ động chuyển đổi các vườn hồ tiêu sang trồng xoài |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Wil Nguyễn Minh Tâm, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Sau nhiều năm đầu tư, hồ tiêu sinh trưởng và phát triển kém, giá cả lại không như mong muốn, nên nhiều người dân địa phương đã quay lại với cây ăn quả. Địa phương cũng đang xúc tiến xây dựng các tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả an toàn nhằm góp phần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trái cây tại địa phương.
Tại xã Cư K'nia, diện tích hồ tiêu tăng nhanh do giá cả hồ tiêu "lên đỉnh" cách đây vài năm. Nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập đáng kể, xây dựng được nhà cửa khang trang do "trúng" tiêu. Nhưng từ đầu năm 2018 tới nay, giá tiêu "xuống dốc không phanh" khiến người dân trồng tiêu chán nản. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều người trồng tiêu đã bỏ bê vườn cây. Thống kê của xã cho thấy, có gần 150 ha hồ tiêu trên địa bàn xã bị thiệt hại từ 30% trở lên, trong đó chủ yếu thiệt hại trên 70%.
Gần 1.100 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, thiệt hại từ 30 - 70% Theo rà soát của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, từ đầu năm 2018 tới cuối tháng 7/2019, toàn huyện có trên 600 ha hồ tiêu bị thiệt hại trên 70% và gần 500 ha bị thiệt hại từ 30 - 70%. Hơn 200 ha cây tiêu chết hoàn toàn do bị nhiễm các bệnh chết nhanh, chết chậm. Ngành Nông nghiệp địa phương đã mở nhiều lớp tập huấn cho hàng trăm nông dân về các biện pháp sinh học, phòng trừ tổng hợp để ngăn chặn dịch bệnh trên cây tiêu. Tuy nhiên, do giá cả hồ tiêu xuống thấp nên bà con bỏ bê vườn tiêu khiến cho diện tích tiêu chết tiếp tục tăng lên. |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cư K'nia Lê Lương Kế, sau khi tiêu nhiễm bệnh và bị thiệt hại, nhiều hộ dân đã quyết định nhổ bỏ những cây tiêu chết để trồng xen trong rẫy các loại cây ngắn ngày như bắp, đậu, khoai lang… Cũng có nhiều gia đình có diện tích tiêu chết đã quyết định nhổ bỏ cả vườn tiêu, chuyển đổi toàn bộ sang trồng cây ăn quả.
Ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút cho biết, sau khi xảy ra dịch bệnh trên hồ tiêu, người dân địa phương đã chuyển đổi gần 200 ha hồ tiêu sang trồng các loại cây khác, chủ yếu là cây ăn quả (khoảng 150 ha). "Chúng tôi rất mừng vì bà con chủ động tái cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Hy vọng trong thời gian tới, các loại cây trồng này sẽ giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giúp người dân vươn lên làm giàu", ông Hồ Sơn phấn khởi cho biết.
Theo Báo Đắk Nông điện tử