DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Nông khóa III vừa qua đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong đó có những nghị quyết hỗ trợ người nghèo, hộ nông dân phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo để vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân còn được hỗ trợ các chi phí để liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Đình Nắp ở thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) cho năng suất cao |
Hỗ trợ thoát nghèo bền vững
Để hỗ trợ người nghèo trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết bổ sung một số chính sách thuộc chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết có các chính sách giảm nghèo đặc thù như khuyến khích đối với hộ cam kết thoát nghèo bền vững. Cụ thể, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế theo loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh là con của hộ thoát nghèo đang học ở cấp phổ thông với mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/tháng (9 tháng/năm học). Mặt khác, các hộ thoát nghèo sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất (Ngân hàng Chính sách Xã hội) để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài những chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, hộ nghèo còn được hỗ trợ xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống như: Hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ, cho tất cả các gia đình chưa được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ các năm trước và có nhu cầu vay vốn làm nhà; hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Báo cáo thẩm tra nghị quyết, ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, trước đây tỉnh đã có các nghị quyết hỗ trợ hộ nghèo nhưng qua quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc nhất định. Điển hình như trong hỗ trợ một số đối tượng thuộc Chương trình 30a thì vướng đến vấn đề giải ngân nguồn vốn sự nghiệp, hay việc tổ chức thực hiện lập kế hoạch đầu tư cấp xã trung hạn và hàng năm… Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết bổ sung một số chính sách thuộc chương trình giảm nghèo này là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Đầu tư cho sản xuất nông nghiệp
Là địa phương mà tỷ trọng ngành Nông nghiệp chiếm phần lớn, do đó, các chính sách, chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cũng vì thế luôn được tỉnh quan tâm. Cũng tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Nghị quyết hỗ trợ 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công khi đầu tư công trình trữ nước tại huyện Cư Jút, Krông Nô và các xã: Đắk Gằn, Đắk R'la, Đắk Lao của huyện Đắk Mil. Đối với các địa phương còn lại hỗ trợ 70%. Về hỗ trợ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước, hỗ trợ 50% (không quá 40 triệu đồng/ha) tại huyện Cư Jút, Krông Nô và các xã: Đắk Gằn, Đắk R'la, Đắk Lao của huyện Đắk Mil. Đối với các địa phương còn lại hỗ trợ 35% (không quá 28 triệu đồng/ha). Nghị quyết còn hỗ trợ chi phí san phẳng đồng ruộng, đầu tư xây dựng cống, kiên cố kênh mương…
Cũng theo ông Nguyễn Đình Đạo, hiện nay, tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng 2035. Vì vậy, việc xây dựng nghị quyết phát triển thủy lợi và tưới nước tiết kiệm sẽ góp phần đưa tổng diện tích cây trồng được tưới nước chủ động đạt 80% vào năm 2020.
Liên quan đến sản xuất nông nghiệp, kỳ họp cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt một số chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, lĩnh vực nông, lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế của tỉnh, nhưng vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ là động lực quan trọng giúp nông dân cũng như những hộ nghèo có thêm cơ hội mở rộng sản xuất…
Có thể nói, với việc thông qua các chính sách hỗ trợ người nghèo và nông dân trong tỉnh sẽ góp phần quan trọng để đưa Đắk Nông đạt tới mục tiêu thoát khỏi tỉnh nghèo, kém phát triển vào năm 2020. Vấn đề còn lại là khâu tổ chức thực hiện như thế nào để các nghị quyết thiết thực đi vào cuộc sống.
Theo Báo Đắk Nông điện tử